Virus corona – Covid-19: Trung Quốc vừa dốc sức chống dịch, vừa tăng cường trấn áp

Virus corona – Covid-19: Trung Quốc vừa dốc sức chống dịch, vừa tăng cường trấn áp

Đăng ngày: 20/02/2020

\"Một
Một góc phố ở Thượng Hải, Trung Quốc thời dịch virus corona. Ảnh chụp ngày 10/02/2020 REUTERS/Aly Song/File Photo

Thanh Hà

Chạy đua với thời gian ngăn chận đà lây lan của virus corona – Covid-19 không cản trở hoạt động của bộ máy đàn áp của chính quyền Trung Quốc. Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ một chỉ trích nào cả ở trong lẫn ngoài nước.

Vào lúc dịch viêm phổi cấp tính vẫn hoành hành, Trung Quốc gần như bị cách ly với thế giới bên ngoài, trong chưa đầy 15 ngày, hai nhà báo điều tra về hoạt động tại các bệnh viện ở Vũ Hán, ổ dịch virus corona Covid-19 \”mất tích\”, các tiếng nói bất đồng, chỉ trích chính quyền xử lý kém cỏi khủng hoảng, nếu không bị bắt thì cũng bị quản thúc tại gia. Chưa hết, Bắc Kinh tấn công luôn cả các phương tiện truyền thông quốc tế dám coi Trung Quốc là \”kẻ bệnh hoạn của châu Á\”. Đó là những bằng chứng cụ thể nhất cho thấy, đảng Cộng Sản Trung Quốc vẫn cai trị đất nước với một bàn tay sắt.

Tuần trước, báo chí Hồng Kông báo động về trường hợp hai \”nhà báo công dân\” Phương Bân (Fang Bin) và Trần Thu Thực (Chen Qiushi) đã \”mất tích\”. Cả hai đã đăng tải video, hình ảnh và những tấn bi kịch ở bên trong thành phố Vũ Hán, đã bị cách ly với phần còn lại của Hoa Lục từ hôm 23/01/2020. Hai tuần lễ trước khi ông Tập Cận Bình tuyên bố virus corona là \”cuộc chiến của toàn dân\” thì Phương Bân đã hứa \”làm hết sức mình\” để nói lên sự thật những gì đang diễn ra tại Vũ Hán. Hơn một tháng sau, khi tình hình thêm đen tối, cũng \”nhà báo công dân\” này đã đòi chính phủ \”trao trả quyền lực lại cho nhân dân\” và từ đó thì trang mạng xã hội của ông \”im bặt\”. Về phần ông Trần Thu Thực, vốn đã được biết nhiều do đưa tin về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông từ mùa hè 2019, ông này chủ yếu đăng tải các đoạn video từ ở bên trong các bệnh viện tại Vũ Hán.

Cũng tuần qua, công cụ đàn áp của Bắc Kinh đã chĩa sang nhà đấu tranh Hứa Chí Vĩnh (Xu Zhiyong) cho dù ông này đã chạy đến tận Quảng Đông để ẩn náu. Hôm 04/02/2020, họ Hứa đã dám lên tiếng kêu gọi \”hoàng đế\” Tập Cận Bình từ chức sau nhiều thiếu sót trong đợt khủng hoảng lần này. Một nhà trí thức khác của Trung Quốc, giáo sư luật Hứa Chương Nhuận (Xi Zhangrun), tác giả bài tham luận mang tựa đề \”Khi phẫn nộ vượt lên trên cả sợ hãi\” bị quản thúc tại gia. Hôm 07/02/2020, ông đồng ký tên trong một Thư ngỏ gửi Quốc Hội, đòi quyền tự do ngôn luận nhân danh bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã cảnh báo dịch bệnh, bị công an truy bức và qua đời vì nhiễm virus Covid-19.

Trên trường quốc tế, đúng vào lúc virus corona đang làm tê liệt phần lớn các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc, hình ảnh của Bắc Kinh đang xấu đi trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, thì ở Hoa Kỳ, nhật báo tài chính The Wall Street Journal trong bài xã luận hôm 03/02/2020 giáng một đòn mạnh với nhận xét \”Tại châu Á, Trung Quốc mới thực sự là kẻ bệnh hoạn\”. Chính phủ Mỹ thì thông báo bắt đầu \”áp dụng quy chế mới\” nhắm vào 5 cơ quan báo chí chính thức của Trung Quốc. Washington các buộc Bắc Kinh gia tăng tuyên truyền thông qua các cơ quan nói trên, trong đó bao gồm từ Tân Hoa Xã đến China Daily và Nhân Dân Nhật Báo. Hai yếu tố này khiến Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ để rút lại thẻ hành nghề của ba nhà báo làm việc cho tờ The Wall Street Journal và đòi trục xuất những người này. Chưa hả giận, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay (20/02/20) còn đi xa hơn khi tuyên bố, Trung Quốc còn có thể phạt nặng hơn nữa tờ báo tài chính này của Mỹ.

Thêm một dấu hiệu khác cho thấy, cỗ máy đàn áp của Trung Quốc đang hoạt động hết công suất, đó là nhân danh các biện pháp phòng chống dịch lây lan, Bắc Kinh tăng cường các biện pháp kiểm duyệt, theo dõi và giới hạn các quyền tự do vốn đã hiếm hoi tại đất nước rộng lớn này.

Tận dụng thời điểm công luận đang hoảng loạn trước đe dọa khủng hoảng về y tế, chính quyền Trung Quốc đã ban hành những biện pháp bế quan tỏa cảng, giám sát nhất cử nhất động của mỗi công dân tại các vùng bị phong tỏa …

Tất cả những động thái nói trên cho thấy, chỉ trích Trung Quốc vẫn là một chủ đề hết sức nhậy cảm đối với chế độ của ông Tập Cận Bình cho dù là Bắc Kinh đang choáng váng vì virus corona – Covid-19. Trong một bài bình luận trên báo Les Echos ngày 18/02/2020, giáo sư Dominique Moisi, giảng dậy tại trường đại học King’s College Luân Đôn cho rằng trong việc đối phó với dịch bệnh lần này, một lần nữa, cho thấy \”rõ ràng là Bắc Kinh đã đặt mục tiêu toàn dân đoàn kết vì Đảng lên trên sự an toàn của muôn dân\”.

Còn nhà nghiên cứu François Godment chuyên gia về Trung Quốc thuộc viện Institut Montaigne Paris tạm thời đưa ra hai kết luận : thứ nhất virus corona đang làm dấy lên công phẫn trong một phần xã hội Trung Quốc, nhưng trước mắt đó là một cuộc \”phản kháng trên mạng\”, không nguy hiểm bằng những cuộc xuống đường thực sự như phong trào Mùa Xuân Bắc Kinh năm 1989. Thứ hai là hào quang và uy tín của ông Tập Cận Bình, có phần nào bị lu mờ và hao hụt, nhưng \”thế độc quyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc thì không mảy may suy xuyển\”. Tưởng rằng một con siêu vi đủ mạnh để làm lung lay đảng Cộng Sản Trung Quốc là một sai lầm.

Bài Liên Quan

Leave a Comment