Mua lại nợ công: Tòa Bảo Hiến Đức thách thức Liên Hiệp Châu Âu

Mua lại nợ công: Tòa Bảo Hiến Đức thách thức Liên Hiệp Châu Âu

Đăng ngày: 21/05/2020

\"Các
Các thẩm phán Tòa Bảo Hiến Đức ngày 05/05/2020 yêu cầu Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu giải trình chính sách mua nợ năm 2015. AFP – SEBASTIAN GOLLNOW

Minh Anh

Thứ Ba, 05/05/2020, Tòa Bảo Hiến Đức ra tối hậu thư yêu cầu Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) trong vòng ba tháng phải giải thích rõ về chương trình mua nợ đưa ra năm 2015. Năm ngày sau, 10/05/2020, trong một thông cáo, Ủy Ban Châu Âu cho biết xem xét khả năng mở một vụ kiện chống Đức. Vì sao Đức và Liên Hiệp Châu Âu lại đọ sức với nhau vào lúc này ? Đâu là những rủi ro cho tương lai khu vực đồng euro ?

Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu vượt quá thẩm quyền ?

Tòa Bảo Hiến Đức vừa đặt một quả bom nổ chậm ngay dưới chân nền tảng của khối đồng tiền chung euro, Le Monde ngày 07/05 thẳng thừng nhận xét. Các thẩm phán Đức ra hạn định Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu có ba tháng để giải trình về chính sách trên, bằng không họ có thể ra lệnh cho Bundesbank (Ngân hàng Trung ương Đức) – cổ đông lớn nhất của BCE, ngưng tham gia vào chương trình mua lại trái phiếu công.

Với báo Le Monde phán quyết lạnh lùng này của thẩm phán Đức chẳng khác gì như « cú đánh trời giáng » đe dọa đến sự độc lập của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, có trụ sở tại Frankfurt, được thiết kế theo mô hình của Bundesbank.

Chuyện gì đã xảy ra cách nay năm năm ? Tại sao Tòa Bảo Hiến Đức lại đòi BCE phải giải thích vào lúc này ? Chuyên gia kinh tế Anne-Laure Delatte, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp, Trung Tâm Nghiên Cứu Triển Vọng và Thông Tin Quốc Tế (CEPII), trên đài RFI nhắc lại vụ việc :

« Sau cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2008, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) cũng như các ngân hàng khác trên thế giới đã đưa ra một chính sách tiền tệ rất đặc biệt mà người ta gọi là ʺQuantitative easingʺ (tạm dịch là chương trình nới lỏng định lượng), nghĩa là người ta mua phiếu nợ trên thị trường để cung cấp thanh khoản.

Đến năm 2015, BCE còn tiến thêm một bước nữa là đi mua các trái phiếu công trên thị trường thứ cấp. Nói ngắn gọn, BCE mua các loại phiếu nợ của các chính phủ, của các nước thành viên khối sử dụng chung đồng euro. Những nước khác họ cũng làm như thế như FED (Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ), Ngân Hàng Trung Ương Anh Quốc nhưng ở mức độ thấp hơn.

Kể từ năm 2015, Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu thực hiện chương trình này và điều này rất quan trọng, bởi vì trên thực tế, BCE chi phối việc mua trái phiếu. Dần dà, bảng tổng kết của BCE ngày một phình to, đã tăng lên gấp 3 lần trong những năm gần đây. Việc mua loại trái phiếu được biết đến nhiều nhất PSPP (Public Sector Purchase Programme – Chương trình mua trái phiếu khu vực công) hiện chiếm đến gần như phân nửa chương trình mua phiếu nợ được ghi trong bảng tổng kết tài sản của Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu. »

Một cách cụ thể, các thẩm phán Đức trách cứ Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu năm 2015 đã vượt quá thẩm quyền, thực thi một chính sách tiền tệ « quá bành trướng », « tỷ lệ thuận » với các rủi ro, có nguy cơ gây tác động đến vấn đề chủ quyền kinh tế của một quốc gia.

Chỉ có điều phán quyết được đưa ra không đúng thời điểm. Ngay giữa lúc nhiều nền kinh tế châu Âu đang kiệt quệ vì dịch bệnh Covid-19 hoành hành, Liên Hiệp Châu Âu vừa thông qua một « kế hoạch khẩn cấp chống đại dịch » PEPP – Pandemic Emergency Purchase Programme. Cụ thể là Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu mua lại các khoản nợ công của các nước thành viên, trị giá 750 tỷ euro, nhằm vực dậy các nền kinh tế sau dịch bệnh.

Theo nhận định của ông Frederik Ducrozet, chuyên gia kinh tế ngân hàng tư nhân Pictet, khi trả lời phỏng vấn báo Le Monde, quyết định này của các thẩm phán Đức còn ngầm nhắc lại những quy định do chính Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu tự áp đặt vào năm 2015 khi đưa ra kế hoạch mua lại nợ. « Một trong những nguyên tắc đó là Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu không nên chiếm giữ quá 33% mức nợ của một nước. Vậy khi người ta gộp cả hai chương trình PSPP và PEPP, họ đang tiến gần một cách nguy hiểm đến mức giới hạn này. Từ đây đến cuối năm 2020, BCE sẽ có nguy cơ nắm giữ đến hơn 33% nợ của nước Đức ».

Xung đột pháp lý giữa Đức và Liên Hiệp Châu Âu

Chính sách tiền tệ của BCE luôn là một chủ đề nhậy cảm tại Đức. Là những người rất tiết kiệm, người dân Đức cảm thấy bị thiệt hại nhiều bởi các chính sách tiền tệ của BCE từ 10 năm qua, nguồn cội của việc lãi suất thấp. Đây chính là điểm khiến cho những thành phần bảo thủ và cực hữu tại Đức, những người hoài nghi châu Âu khai thác tối đa cho các mục tiêu chính trị như nhận xét của nữ kinh tế gia Anne-Laure Delatte với đài RFI :

« Trên thực tế, có một bộ phận chính trị gia Đức phản đối ý tưởng dự án châu Âu, hay khối đồng euro theo mô hình liên bang. Ẩn sau thách thức chính trị này, những người dựa vào Tòa Bảo Hiến Đức là ai ? Đó là những thành viên của đảng CSU (Liên Minh Xã Hội Kitô Giáo Bayern), và nhất là đảng cực hữu AfD (Alternative für Deutschland – Con đường khác cho nước Đức). Có một sự liên minh đặc biệt giữa những người có xu hướng bảo thủ và phe cực hữu để chống đối chính sách tiền tệ này của Liên Hiệp Châu Âu ».

Đây không phải là lần đầu tiên Tư Pháp Đức tấn công BCE. Ngay từ năm 2015, Tòa Bảo Hiến Đức đã phản đối chương trình PSPP. Nhưng đến tháng 12/2018, Tòa Án Công Lý Liên Hiệp Châu Âu (CJUE) khẳng định là chính sách tiền tệ này là hợp lệ. Dù vậy, các thẩm phán Đức vẫn cho rằng « những năm gần đây, Tòa Án Công Lý Châu Âu ngày càng đi quá đà trong việc diễn giải các hiệp ước như Maastricht (1993) hay Lisboa (2009) » theo như bình luận của một chuyên gia am tường trong lĩnh vực này với báo Le Monde.

Các thẩm phán Đức còn nghiêm khắc chỉ trích Tòa Công Lý Châu Âu đã thiếu các biện pháp nhằm giám sát các chương trình hành động của BCE. Về điểm này, một nhà ngoại giao giải thích với nhật báo Pháp rằng « các thẩm phán Đức tại Tòa Bảo Hiến có một quan niệm rất nghiêm ngặt trong việc phối hợp giữa luật pháp quốc gia và luật châu Âu ». Theo phân tích của ông Guntram Wolff, kinh tế gia và giám đốc Viện Bruegle trên đài RFI, bất đồng quan điểm pháp lý trong cách diễn giải các hiệp ước chính là vấn đề cốt lõi của vụ việc này.

« Đây mới chính là vấn đề trọng tâm theo như quan điểm của Tòa Bảo Hiến Đức. Việc đưa ra những quyết định cần thiết này từ một trong số các thẩm phán nhằm khẳng định rằng chính họ là người diễn giải giới hạn các thẩm quyền, rằng luật của châu Âu chỉ dành cho các định chế của Liên Hiệp Châu Âu. Các thẩm phán ở Luxembourg, Tòa Công Lý Liên Hiệp Châu Âu không thể diễn giải các giới hạn của luật hiến pháp Đức, theo đó, chính họ mới là người trao các thẩm quyền cho Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu.

Đây chính là điểm xung đột. Bởi vì, theo quan điểm của Liên Hiệp Châu Âu, bắt đầu từ điều luật của Liên Hiệp và trong lô-gic của cách diễn giải này, chính Tòa Công Lý Châu Âu mới là bên chịu trách nhiệm diễn giải hiệp ước. Nhưng lô-gic quốc gia cho rằng yếu tố chủ quyền đất nước mới tạo dựng nên nền tảng cơ bản cho mọi hình thức chủ quyền châu Âu. Cuộc xung đột này mới chính là tâm điểm của cuộc tranh luận hiện nay. »

Nguy cơ khủng hoảng 2010 – 2012 tái diễn ?

Trước quyết định của Tòa Bảo Hiến Đức, Ủy Ban Châu Âu cho biết có thể mở một quy trình pháp lý kiện nước Đức. Chuyên gia Anne-Laure Delatte cảnh báo vụ việc này có nguy cơ vượt quá khuôn khổ chính sách kinh tế, tiền tệ và thương mại. « Ở đây còn có một thách thức chính trị thật sự nhằm phá vỡ các dự án hội nhập của Liên Hiệp. Trên thực tế, người ta đang tạo điều kiện cho các phe chủ nghĩa dân túy tại Hungary và Ba Lan cũng như tất cả những ai phản đối tiến trình hội nhập Liên Hiệp Châu Âu ».

Vẫn theo nữ kinh tế gia này, phán quyết này của Tòa Bảo Hiến Đức có nguy cơ để lại nhiều rủi ro cho tương lai khu vực đồng euro.

« Điểm quan trọng ở đây chính là cuộc khủng hoảng nợ công như những gì xảy ra trong giai đoạn 2010 – 2012, đã tái xuất hiện ngay từ tháng Ba. Thậm chí từ cuối tháng Hai, người ta đã thấy là nhiều khoản vay của Ý, lãi suất rủi ro của Ý, rủi ro mà các nhà đầu tư chấp nhận để cho chính phủ Ý vay tăng vọt. Quả thật người ta rất lo sợ là cuộc khủng hoảng 2010 -2012 lại tiếp diễn.

Trên thực tế, bà Christine Lagarde và đương nhiên là BCE đã làm mọi cách cần thiết để hạ nhiệt căng thẳng và đã có phản ứng rất nhanh. Thế nên, khi đặt nghi vấn chính sách tiền tệ vào lúc này, đây quả thật là cực kỳ mạo hiểm bởi vì đây chính là người lính cứu hỏa duy nhất trong khu vực đồng euro hiện nay. Rủi thay là Hội Đồng Châu Âu và tất cả các định chế khác bên cạnh Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu lại không có một phương tiện nào để dập lửa như BCE đã làm ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment