Bước ngoặt trong cuộc đua kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc

 Bình luận-Kathleen Li • Lynn Xu • 18/03/23

\"\"

Với những thông tin tiêu cực về kinh tế gần đây của Trung Quốc, những dự đoán về việc kinh tế Trung Quốc sẽ bắt kịp Mỹ vào năm 2025 hoặc 2030 có vẻ sẽ khó thành hiện thực. Trung Quốc đang gặp phải một số vấn đề lớn như lực lượng lao động suy yếu hay đầu tư công không hiệu quả.

Nền kinh tế Trung Quốc đang trì trệ, với dự đoán tăng trưởng GDP năm 2023 chính thức được đánh giá là thấp nhất trong 30 năm, cho thấy sự suy giảm toàn diện của nền kinh tế sau khi COVID-19 bùng phát. Sự sụt giảm như vậy có nghĩa là khoảng cách với Mỹ ngày càng lớn và sẽ làm đảo ngược các dự đoán trước đây của các nhà kinh tế rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ ngang hàng với Mỹ vào năm 2025 hoặc 2030.

Vào ngày 05/03, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã trình bày báo cáo công việc chính phủ cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình, trong đó dự đoán mức tăng trưởng GDP năm 2023 vào khoảng 5%, mục tiêu tăng trưởng thấp nhất trong 30 năm qua của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Kỳ vọng chính thức về tăng trưởng GDP đã giảm hàng năm trong 5 năm qua. Năm 2019, mục tiêu GDP chính thức đã được điều chỉnh thành từ 6% tới 6,5% so với 6,5% năm 2018, tiếp theo là 6% vào năm 2021 và khoảng 5,5% vào năm 2022, sau đó là 5% vào năm 2023.

Vào năm 2020, ĐCSTQ thậm chí đã ngừng công bố các dự đoán tăng trưởng và các dữ liệu kinh tế khác do những tác động to lớn từ sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Đây là một bước thụt lùi thực sự đối với ĐCSTQ so với giai đoạn đi lên từ năm 1996 đến năm 2014. Mặc dù dự đoán tăng trưởng GDP chính thức được công bố có những lúc lên xuống khác nhau, nhưng nó vẫn được duy trì ở mức cao. Ví dụ, tăng trưởng GDP mục tiêu cao tới 8% trong giai đoạn 1996 – 1998 đã giảm xuống 7% trong giai đoạn 1999 – 2004, sau đó tăng lên 8% trong 7 năm từ 2005 đến 2011, sau đó giảm nhẹ xuống 7,5% trong giai đoạn 2012–2014 .

So sánh mức tăng trưởng GDP dự kiến với cái gọi là mức tăng trưởng GDP “thực tế” mà chính phủ Trung Quốc công bố sau đó, xu hướng chung của “GDP thực tế” đã chuyển từ vượt kỳ vọng khoảng 1 đến 2% sang suy giảm dưới mức mong đợi.

Hai năm mà COVID-19 bao trùm Trung Quốc, 2020 và 2021, cho thấy kết quả kinh tế tồi tệ nhất.

Năm 2010, ĐCSTQ tuyên bố rằng mức tăng trưởng GDP “thực tế” đã tăng 10,3%. Tuy nhiên, nó đã giảm xuống còn 6,1% vào năm 2019, giảm mạnh khoảng 41% trong 10 năm.

Mơ ước của Trung Quốc

ĐCSTQ đã khao khát vượt qua phương Tây kể từ thời lãnh đạo Mao Trạch Đông khi vị lãnh đạo này hát động Đại nhảy vọt. Chiến dịch kinh tế và chính trị triệt để này đã khiến hàng triệu người chết vì nạn đói lan rộng.

Ông Liu Zunyi (Lawrence J. Lau) là thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức trao đổi Trung Quốc – Mỹ. Ông Liu đã dự đoán trong một ấn phẩm kinh tế tháng 10/2015 của Viện kinh tế và tài chính toàn cầu của Đại học Trung Hoa H0ng K0ng rằng, đến khoảng năm 2030, Trung Quốc và Mỹ sẽ ngang bằng với nhau về quy mô kinh tế. Vào khoảng năm 2060, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc sẽ bắt kịp GDP bình quân đầu người của Mỹ.

Vào năm 2021, thị trường toàn cầu bị đại dịch tấn công đã ngay lập tức thúc đẩy nhu cầu đối với ngành sản xuất chi phí thấp của Trung Quốc, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong phần lớn thời gian của năm. Các lãnh đạo của ĐCSTQ đã coi đó là cơ hội để bành trướng. Theo một bài báo của hãng truyền thông Trung Quốc Sina vào tháng 01/2021, các quan chức cấp tỉnh đã đề xuất các quan điểm như “Đông nổi lên Tây xuống dốc” – Đông chỉ Trung Quốc, và Tây chỉ các nước phương Tây do Mỹ lãnh đạo – nói rằng thế giới đã bước vào thời kỳ biến động hỗn loạn do đại dịch COVID chưa từng thấy trong một thế kỷ qua và sự trỗi dậy của ĐCSTQ sẽ là xu thế chủ đạo.

Nhưng sự bùng nổ như vậy chỉ kéo dài trong một thời gian ngắn. Quý IV năm 2021, Trung Quốc đối mặt với nhu cầu nội địa suy giảm nghiêm trọng, thị trường bất động sản trì trệ và tăng trưởng kinh tế sa sút nhanh chóng.

Dự đoán kinh tế của ông Liu có khả năng cung cấp cơ sở lý thuyết cho các cam kết của ông Tập Cận Bình với thế giới. Ông Tập, vào 5 năm sau, đã cam kết vào năm 2020 rằng lượng khí thải carbon của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh vào năm 2030 và mục tiêu trung hòa carbon sẽ đạt được vào năm 2060.

Ông Liu từng là thành viên của ủy ban kinh tế của Hội nghị Tư vấn Chính trị cho ĐCSTQ và là thành viên danh dự của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc do nhà nước kiểm soát.

Lực lượng lao động suy yếu

Công nhân gần một nhà hàng đang được xây dựng trên một con phố thương mại ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào ngày 24/10/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Trong bài báo có tiêu đề “Nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc”, ông Liu cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chủ yếu được thúc đẩy bởi sự tích lũy vốn vật chất và đầu vào lao động, với gần như toàn bộ thặng dư lao động.

Nhưng trong những năm gần đây, lực lượng lao động của Trung Quốc nhìn chung đã có dấu hiệu suy giảm, với dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy dân số trong độ tuổi lao động từ 16 – 59 tuổi là 875,56 triệu người vào năm 2022, chiếm 62% dân số cả nước. Con số này thấp hơn 6,66 triệu so với 882,22 triệu vào năm 2021, theo hãng truyền thông Trung Quốc Jiemian vào ngày 03/02.

Năm 2011, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đạt đỉnh 940,72 triệu người và kể từ đó bắt đầu giảm xuống còn 937,27 triệu người vào năm 2012. Năm 2018, dân số trong độ tuổi lao động lần đầu tiên giảm xuống dưới 900 triệu người xuống còn 897,29 triệu người. Xu hướng giảm này tiếp tục vào năm 2019, giảm thêm 890.000 người so với năm trước.

Tính đến tháng 01/2023, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm trong 6 năm liên tiếp, số ca sinh mới giảm một nửa và dân số nước này đang ở mức tăng trưởng âm, theo báo cáo của phương tiện truyền thông tài chính Trung Quốc Yicai.

Nền tảng đầu tư công có hiệu quả?

Theo quan điểm của ông Liu, đầu tư vào các cơ sở và tiêu dùng công cộng là một cách để thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng quan điểm này đã bị thách thức bởi ông Wu Jinglian, một thành viên của Diễn đàn Chinese Economists 50, người đã đăng một bài báo vào ngày 07/12/2015 trên Sina, chỉ ra rằng việc dựa vào đầu tư để thúc đẩy nền kinh tế tương đương với việc ăn phần ăn của năm sau, nghĩa là, sử dụng các nguồn lực trong tương lai để trang trải thâm hụt hiện tại.

“Nếu trông chờ vào nguồn lực đầu vào để giải quyết vấn đề nhưng nguồn lực không có nhiều, nguồn lực ngày càng khan hiếm thì đầu tư vào cái gì? Đó là trái phiếu và các khoản nợ”.

Sử dụng trước các nguồn lực trong tương lai sẽ làm tăng đòn bẩy bảng cân đối kế toán của quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân. “Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế quốc gia và tạo ra cái gọi là rủi ro hệ thống”, ông Wu nói.

Ông Wu tin rằng việc kéo nền kinh tế Trung Quốc đi lên thông qua đầu tư “về cơ bản là không hiệu quả”.

Ông Zhang Jun, hiệu trưởng Trường Kinh tế tại Đại học Phúc Đán, cũng có quan điểm tương tự như ông Wu. Vào ngày 21/07/2022, ông Zhang đã hỏi trên trang web chính thức của Viện Phát triển Phúc Đán, \”Chúng ta có còn kỳ vọng đầu tư sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP không?\”

Theo ông Wu, lợi tức đầu tư vốn của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng là ít ỏi. Đồng thời, quy mô nợ và đòn bẩy doanh nghiệp của Trung Quốc rất cao. Sự mất cân đối về nguồn lực tài chính là nghiêm trọng, “trong những điều kiện như vậy, một khi chi tiêu vốn công được tăng lên đáng kể, thì tác động lên GDP sẽ là tối thiểu, chưa kể đến tác động nghiêm trọng hơn đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai”, ông Wu nói.

Ý kiến kinh tế của ông Wu và ông Zhang đều bị chính quyền Trung Quốc phớt lờ.

Bắc Kinh đã tăng đầu tư cơ sở hạ tầng vào năm 2022 lên tới 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng đáng kể 9,0 điểm phần trăm so với năm 2021, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh trong báo cáo công tác chính phủ ngày 05/03 về sự cần thiết phải mở rộng đầu tư bằng cách tăng lượng trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương trong các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm giao thông, bảo tồn nước, năng lượng và thông tin.Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu trong một cuộc họp báo sau khi bế mạc kỳ họp thứ hai của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) lần thứ 13 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 20/03/2018. (Ảnh: Lintao Zhang/Getty Images)

Suy giảm tăng trưởng kinh tế

Dự đoán của ông Liu rằng Trung Quốc sẽ sánh kịp Mỹ về quy mô kinh tế vào khoảng năm 2030 dựa trên tiền đề rằng “Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc duy trì ở mức 7% trong vài năm tới, trong khi nền kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức khoảng 3,5%.

Tuy nhiên, đợt bùng phát COVID năm 2020 đã làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống còn 2,2%. Hơn nữa, ngay cả khi không có tác động của đại dịch, theo một báo cáo vào ngày 11/03/2021 của Qiushi, cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 có khả năng dưới 6%.

Thế kỷ Trung Quốc thịnh vượng?

Ông Liu không phải là người đầu tiên so sánh Trung Quốc với Mỹ và khẳng định rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ.

Một nhà kinh tế khác, ông Oded Shenkar, cho biết vào năm 2006 rằng trong 20 năm nữa (khoảng năm 2025) hoặc ít hơn, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, mở ra một “Thế kỷ Trung Quốc” thịnh vượng.

Năm 2025 đã cận kề, nhưng dường như ngày càng ít có khả năng “Thế kỷ Trung Quốc” sẽ bắt đầu khi khoảng cách giữa nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đã rơi vào một bước ngoặt kể từ năm 2022.

Nhìn vào dữ liệu GDP trong lịch sử chính thức của Mỹ và Trung Quốc, tỷ lệ GDP của Trung Quốc so với GDP của Mỹ đã tăng đều kể từ năm 1990. Năm 1990, GDP của Trung Quốc chỉ bằng 6,05% GDP của Hoa Kỳ; nó đã tăng lên 11,82% vào năm 2000, 40,60% vào năm 2010 và 77,10% vào năm 2021, theo bài viết của NetEase vào ngày 01/05/2022.

Vào năm 2022, tỷ lệ GDP của Trung Quốc so với GDP của Mỹ là 71,26%, giảm 5,84% so với năm 2021, mức giảm hơn 1% đầu tiên kể từ năm 1990.

Vào năm 2021, tổng GDP của Trung Quốc là khoảng 17,7 nghìn tỷ USD, tụt lại phía sau 5,3 nghìn tỷ USD so với 23,0 nghìn tỷ USD của Mỹ. Vào năm 2022, GDP của Trung Quốc lên tới 18,15 nghìn tỷ USD theo tỷ giá hối đoái trung bình hàng năm, trong khi GDP của Mỹ đạt 25,47 nghìn tỷ USD; sự khác biệt đã tăng lên 7,32 nghìn tỷ USD.

GDP bình quân đầu người có thể phản ánh tình hình kinh tế của một quốc gia tốt hơn so với tổng GDP.

Vào năm 2021, GDP bình quân đầu người chính thức của Trung Quốc là khoảng 12.600 USD, trong khi GDP bình quân đầu người của Mỹ là 69.800 USD, gấp khoảng 5,5 lần so với Trung Quốc.

Khoảng cách ngày càng lớn, với GDP bình quân đầu người chính thức của Trung Quốc vào năm 2022 là 12.741 USD, trong khi GDP bình quân đầu người của Hoa Kỳ là 76.658 USD, gấp khoảng sáu lần so với Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment