Chiến hạm các nước liên tục được gửi đến Biển Đông hàm ý gì?

Chiến hạm các nước liên tục được gửi đến Biển Đông hàm ý gì?

Diễm Thi, RFA
2021-08-04

\"ChiếnChiến hạm Bayern của Đức. REUTERS00:00/08:05 

Hôm hai tháng tám năm 2021, chiến hạm Bayern của Đức khởi sự chuyến hành trình kéo dài bảy tháng và ghé các nước Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam. Theo dự kiến, vào tháng 12 tới đây, chiến hạm Bayern sẽ đi qua Biển Đông. Giới chức Đức nói rõ chuyến đi của chiến hạm Bayern nhằm nhấn mạnh rằng nước Đức không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại đó. Đây là lần đầu tiên từ gần 20 năm nay, một chiến hạm của Đức tham gia bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, một đội tàu của Hải quân Ấn Độ sẽ được triển khai đến Biển Đông trong tháng tám để tham gia tập trận với các nước trong khu vực. Theo Bộ Quốc phòng nước này, các sáng kiến hàng hải như thế sẽ giúp tăng cường sức mạnh tổng hợp và sự hợp tác giữa Hải quân Ấn Độ và các quốc gia thân hữu dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết hướng đến tự do hàng hải trên biển.

Bộ Ngoại giao Đức hôm nay (4/8) tuyên bố rất rõ là họ làm thế để bảo vệ cho quyền tự do hàng hải, cho an ninh Biển Đông, cho việc thượng tôn luật pháp quốc tế về biển. Ngoài ra còn để ủng hộ các nỗ lực của Mỹ và đồng minh của Mỹ trong khu vực. Ấn Độ thì muốn gửi hai thông điệp. Thứ nhất là Biển Đông. Thứ hai là Ấn Độ sẵn sàng đánh Trung Quốc ở vùng biên giới hiện đang có tranh chấp. – Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Nhà phân tích chính trị, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng, tất cả chỉ là biểu tượng mang tính chính trị chứ không phải là hành động mang tính răn đe về quân sự. Ông nhận định:

“Đức là nước có quan hệ kinh tế rất là sâu với Trung Quốc nhưng Đức là một nước tự do, dân chủ nên họ không bao giờ chấp nhận thể chế chính trị của Trung Quốc. Đức hiện có thái độ rất rõ ràng với Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở Hồng Kông, Tây Tạng, Tân Cương, Đài Loan…

Đưa chiến hạm ra Biển Đông, Đức phải lấy lý do là can dự khung “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP). Bộ Ngoại giao Đức hôm nay (4/8) tuyên bố rất rõ là họ làm thế để bảo vệ cho quyền tự do hàng hải, cho an ninh Biển Đông, cho việc thượng tôn luật pháp quốc tế về biển. Ngoài ra còn để ủng hộ các nỗ lực của Mỹ và đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Ấn Độ thì muốn gửi hai thông điệp. Thứ nhất là Biển Đông. Thứ hai là Ấn Độ sẵn sàng đánh Trung Quốc ở vùng biên giới hiện đang có tranh chấp. Mà thông điệp của Ấn Độ thì nó cũng rất là mạnh bởi Ấn Độ là một quốc gia có vũ khí hạt nhân.”

Trước đó, hôm 12 tháng bảy, khu trục hạm USS Benfold của Hoa Kỳ đi vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông để tiến hành tuần tra tự do hàng hải. Hải quân Hoa Kỳ cho rằng việc thực hiện hoạt động đi qua vô hại mà không thông báo trước hoặc xin phép nước có tuyên bố chủ quyền cho thấy Washington thách thức những giới hạn phi pháp mà các nước đưa ra.

Cũng trong tháng bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Anh công bố kế hoạch của London cho triển khai thường trực hai tàu hải quân tại Châu Á vào cuối năm nay.

Kế hoạch này sẽ được thực hiện sau khi hàng không mẫu hạm Queen Elizabeth vào tháng chín tới đây sẽ đi qua Biển Đông trên đường đến Nhật.

Hồi đầu tháng hai, Pháp cũng đã đưa tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân tiến hành tuần tra qua Biển Đông. Theo đánh giá của tờ South China Morning Post, cuộc tuần tra này nằm một phần trong nỗ lực của Pháp nhằm thách thức các yêu sách vô lý của Trung Quốc tại vùng biển này. Theo Bộ Quân Lực Pháp, trong chiến dịch mang tên Jeanne d’Arc 2021, hai chiến hạm của Hải Quân Pháp sẽ hai lần đi ngang Biển Đông, đồng thời có kế hoạch ghé cảng nhiều nước, trong đó có Indonesia,Việt Nam, Singapore, Malaysia.

Jeanne d’Arc là một chiến dịch tập huấn thường niên nhằm cung cấp cho các học viên sĩ quan kỹ năng tác chiến trên biển trước khi chính thức gia nhập hải quân.

\"000_UE5ZD.jpg\"
Khu trục hạm USS Benfold của Hoa Kỳ. AFP

Việc các chiến hạm đã và đang có kế hoạch đi qua Biển Đông khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ. Mạng báo South China Morning Post vào ngày ba tháng tám loan tin Trung Quốc yêu cầu Đức nói rõ ý định đưa chiến hạm đến Biển Đông. Nếu không Bắc Kinh sẽ không xem xét yêu cầu của Berlin cho chiến hạm Bayern cập cảng Thượng Hải.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của ông:

“Rõ ràng họ không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc. Thế nhưng nhìn kỹ mà thấy thì nếu trường hợp xấu nhất là nếu có chiến tranh xảy ra với Mỹ thì Đức sẽ bảo vệ Mỹ, là đồng minh của mình. Chiến hạm Đức vào Biển Đông cũng từ từ, không có gì đặc biệt. Không như Anh hoặc Pháp. Tàu ngầm Pháp thì cách đây mấy tháng, khi họ vào đến Biển Đông họ mới nói. Tàu này mang những đầu đạn hạt nhân và họ nói rõ rằng, chỉ cần bắn hết cơ số đan họ có sẽ tiêu hủy Bắc Kinh và Thượng Hải. Người Pháp thì như thế.

Việt Nam phải hoan nghênh những nước này, bởi những hoạt động như thế của họ trên Biển Đông thứ nhất là phù hợp với luật pháp quốc tế. Thứ hai, đó là những tín hiệu về chính trị để nhắc nhở Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế. Đặc biệt là nền pháp lý trên biển.”

Theo ông Hợp, nói một cách thẳng thắn, có trách nhiệm và đúng với tình hình hiện nay, Trung Quốc bây giờ thừa ‘điên’ để chẳng ngán ai hết. Đấy là cái thuyết của người Trung Quốc. Những hành xử của Chủ tịch Tập Cận Bình bây giờ vượt qua sự hiểu biết thông thường của những con người bình thường. Chính quyền Mỹ và các chính quyền khác, đặc biệt Nhật Bản, rất lo lắng và đều phải có những tính toán cụ thể hạn chế những rủi ro trong chiến tranh khi Trung Quốc tấn công để chiếm Đài Loan.

Nếu đánh thì trước hết Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan. Họ đổ bộ và đánh chiếm Đài Loan coi như tái thống nhất bằng vũ lực. Đấy là luận điểm và chính sách của Trung Quốc mà họ đã nói ra nhiều lần. Song song đó, hoặc trước, hoặc sau, Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam ở Biển Đông vì Việt Nam là nước cương cường nhất với Trung Quốc trong số các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông. – Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp

Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và không ít lần công khai ý định sử dụng quân sự để thống nhất hòn đảo này. Đài Loan coi mình là một quốc gia có chủ quyền. Bắc Kinh từng cảnh báo những nỗ lực của Đài Loan nhằm độc lập khỏi Bắc Kinh nghĩa là chiến tranh.

Nếu chiến tranh xảy ra thì Việt Nam có nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc hay không?

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét về điều này:

“Nếu đánh thì trước hết Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan. Họ đổ bộ và đánh chiếm Đài Loan coi như tái thống nhất bằng vũ lực. Đấy là luận điểm và chính sách của Trung Quốc mà họ đã nói ra nhiều lần. Song song đó, hoặc trước, hoặc sau, Trung Quốc sẽ đánh Việt Nam ở Biển Đông vì Việt Nam là nước cương cường nhất với Trung Quốc trong số các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông. Nó phù hợp với các phân tích và dự đoán của các học giả chiến lược ở cả phương Tây, các nơi khác và ngay cả Trung Quốc.

Đánh Việt Nam thì chủ yếu là đánh ở Trường Sa chứ không thể có chuyện đánh Việt Nam trên đất liền. Việt Nam không mạnh trên phương diện đối chiếu về năng lực vũ khí hay về mặt lực lượng với Trung Quốc, nhưng Việt Nam rất mạnh về phòng thủ và tự vệ. Nếu Trung Quốc đánh Việt Nam thì Việt Nam sẽ đánh trả và sẽ có đồng minh. Việt Nam đã có sẵn nhưng không cần phải tuyên bố ra làm gì.”

Trong bài viết “Why China is picking a fight with Vietnam” từ năm 2019, nhà báo David Hutt đã dựa trên các phân tích của các chuyên gia để kết luận rằng, nếu có một cuộc chiến tranh tại khu vực Biển Đông thì Việt Nam sẽ là mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc tấn công như là một cách để khởi động trước khi có một cuộc chiến lớn hơn với Mỹ trên vùng biển này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment