Trí tuệ nhân tạo vẽ tranh thay họa sỹ : Làn sóng mới trong giới nghệ thuật

Đăng ngày: 25/01/2023

\"\"
\"\"
Đại Kim tự tháp Giza được vẽ bởi Trí tuệ nhân tạo, do nhóm Obvious thực hiện, © Danyszgallery

Chi Phương

Gần đây, các tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ Trí tuệ nhân tạo (AI) đã khiến công luận xôn xao. Từ kho hình ảnh có sẵn, các phần mềm như Mid Journey hay Dall-E cho phép tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới lạ, chỉ bằng những câu văn mô tả bằng văn bản. 

Lần đầu tiên trung tâm triển lãm Danysz Gallery ở thủ đô Paris của Pháp, tổ chức một buổi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật do Trí tuệ nhân tạo (AI) thực hiện, (từ ngày 4/12/2022 đến ngày 14/01/2023). Với tên gọi, 7.1, nhóm nghệ sỹ Obivous, giới thiệu với công chúng 7 kỳ quan của thế giới cổ đại, được phục dựng và tái hiện lại với một góc nhìn mới lạ, do Trí tuệ nhân tạo thực hiện. Vì muốn giữ được yếu tố nghệ thuật, nên các bức tranh mà AI tạo ra đã được một hoạ sỹ sao chép nguyên bản bằng màu vẽ. Thay vì ký tên tác giả : Obvious, các bức tranh được ký bằng một dãy số, thuật toán tạo ra tác phẩm đầu tiên của nhóm. Để nhắc nhớ mọi người rằng đó là sáng tạo của AI.  

Về Obvious, gồm 3 người bạn đồng sáng lập thực hiện các tác phẩm nghệ thuật từ Trí tuệ nhân tạo. Câu chuyện bắt nguồn từ 5 năm trước, khi Hugo Caselles-Dupré, một kỹ sư nghiên cứu về Trí tuệ nhân tạo, chỉ cho 2 người bạn của mình là Pierre Fautrel và Gauthier Vernier, về khả năng tạo ra hình ảnh thông qua các thuật toán trên phần mềm máy tính. Cả 3 người đều thấy quan tâm đến vấn đề này và quyết định dấn thân vào nghệ thuật. Dự án đầu tiên được thực hiện vào năm 2017, gồm một chuỗi các tác phẩm nghệ thuật, chủ yếu là chân dung. Trong đó, bức chân dung của một nhân vật giả tưởng Edmond de Belamy, đã được đem bán đấu giá ở sàn Christie’s, và được gõ búa 432 500 euro. Đây là lần đầu tiên một tác phẩm do AI tạo ra được đem vào phiên đấu giá. Cũng chính từ đây mà tên tuổi của nhóm Obvious người Pháp đã được quốc tế biết đến.  

\"\"
\"\"
Vườn treo Babylon do Trí tuệ nhân tạo vẽ (một sản phẩm của nhóm Obvious). © Chi Phuong

Thời điểm đó, việc Trí tuệ nhân tạo lấn sân vào sáng tạo nghệ thuật còn khá mới mẻ. Nhưng hiện nay, AI đang trở thành tâm điểm chú ý của công luận với những tiện ích bất ngờ. Ví dụ như ứng dụng ChatGBT, có khả năng trả lời “vạn câu hỏi vì sao”, từ viết đơn xin việc, giải toán, cho đến chữa bài hay thực hiện những lập trình cơ bản. Ngoài ra, còn có ứng dụng Midjourney hoặc Dall-E cho phép bất cứ ai có thể tạo ra một tác phẩm nghệ thuật từ kho hình ảnh có sẵn, với những từ ngữ mô tả cụ thể. 

RFI Tiếng Việt đã có dịp trao đổi với Gauthier Vernier, một trong những thành viên của Obvious, vào ngày cuối cùng của triễn lãm tại Galery Danyzs. 

Trước tiên, ông có thể giải thích lý do tại sao nhóm lại tên là Obvious ? 

Gauthier Vernier : Việc mà chúng tôi làm đó là tạo ra một công cụ mà mọi người có thể tiếp cận được. Do vậy chúng tôi lấy tên là Obvious – có nghĩa là ‘hiển nhiên’. Mục tiêu của chúng tôi là khiến tất cả mọi người có thể hiểu được khả năng của những thuật toán trong khoa khoa học máy tính và chúng khác gì so với khoa học viễn tưởng và sau đó để tạo ra các cuộc tranh luận mà mọi người cùng được thông tin về chủ đề này. 

Quá trình thực hiện các tác phẩm từ Trí tuệ nhân tạo được trưng bày ở triễn lãm như thế nào ?  

Gauthier Vernier : Triển lãm của chúng tôi nói về 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Chúng tôi sử dụng những thuật toán dạng Texte-to-image, cho phép sử dụng văn bản để tạo ra hình ảnh. Chúng tôi đã làm việc với một nhà sử học để thu thập các tài liệu về thời cổ đại, về Platon chẳng hạn, liên quan đến 7 kỳ quan này. Khi chúng tôi có đủ thông tin, chúng tôi tập hợp tất cả và viết một văn bản rõ ràng và xúc tích, mô tả về những kỳ quan này và gửi cho phần mềm Trí tuệ nhân tạo. Chúng tôi muốn tạo ra một cách mô tả mới về những kỳ quan này nhờ vào những thuật toán đó. Trong quá trình này, chúng tôi hiểu ra rằng nhờ vào sự xuất hiện của những thuật toán này, chúng tôi đang phát triển một loại ngôn ngữ giao tiếp mới, để cố gắng dự trù và cải thiện kết quả mà Trí tuệ nhân tạo (machine learning) tạo ra. Nó giống như máy tìm kiếm Google vậy, chúng ta thích ứng nội dung, từ khoá, những gì mà chúng ta mô tả, để Google có thể đưa được kết quả tốt nhất. Điều này cũng tương tự với Trí tuệ nhân tạo. Hiện nay, ngày càng nhiều người biết đến thuật toán, một loại ngôn ngữ để giao tiếp với máy tính. Triển lãm của chúng tôi nói về sự xuất hiện của ngôn ngữ hoàn cầu này và cuộc đối thoại giữa con người và Trí tuệ nhân tạo, tạo ra các tác phẩm này. 

Trong quá trình này, mọi người có gặp phải khó khăn gì không ? 

Gauthier Vernier : Chúng tôi bắt đầu dự án này cách nay một năm rưỡi. Từ đó đến nay, đã có nhiều thuật toán mới ra đời và mỗi lần như vậy, chúng tôi lại phải bắt đầu lại từ con số 0. Chúng tôi đã làm rất nhiều thao tác lặp đi lặp lại và thử nhiều thứ. Chúng tôi đã phải lao lực rất nhiều khi làm việc trên các văn bản. Vì quá trình này không phải chỉ là viết một câu đơn giản. Có rất nhiều thứ chúng tôi có thể thêm vào để tác động đến thuật toán, để nhận được một kết quả có tính thẩm mỹ.  

Tôi cho rằng có một ngành khác mới nổi lên đó là Prompt Generator AI. Đó là nghệ thuật viết những câu mô tả, cho phép Trí tuệ nhân tạo có thể hiểu được và có thể và nhận được kết quả như mong muốn. Đó là một quá trình cần phải giải thích rõ và làm cho thuật toán có thể hiểu được những khái niệm khác nhau. Ví như chúng tôi muốn AI hiểu được định nghĩa về có tô màu và sau đó yêu cầu nó tạo ra một hình ảnh có tô màu hoặc không có màu. Theo tôi, nghệ thuật sáng tạo với những công cụ này rất đa dạng. Bởi mỗi người có cách của riêng mình và kết quả sẽ không ai giống ai, nên có phần nào đó mang tính cá nhân. 

Nếu như công cụ này có thể được tiếp cận dễ dàng vậy thì phải chăng ai cũng có thể làm nghệ thuật ?  

Gauthier Vernier : Tôi không cho là như vậy, nhưng thay vào đó, điều này sẽ cho phép tạo ta một nhánh mới trong nghệ thuật. Ví dụ như với sự ra đời của điện thoại thông minh. Chúng ta đã từng đưa ra những nguy cơ thay thế các nhà nhiếp ảnh. Nhưng thực tế cho thấy nhiếp ảnh đã trở thành một nhánh trong nghệ thuật. Có những nhiếp ảnh gia dành cả đời để đi tìm kiếm chủ đề chụp ảnh. Có rất nhiều thứ có thể làm để tạo ra một bức ảnh đẹp, ví dụ như chọn góc hoặc các cài đặt máy ảnh riêng biệt. Đối với chúng tôi, nghệ thuật sử dụng Trí tuệ nhân tạo cũng tương tự như vậy. Đây là một phong trào nghệ thuật, dành cho những người thông thạo lập trình và các yếu tố kỹ thuật khác, có thể tạo ra những thứ mới lạ và thú vị, qua việc sử dụng các thuật toán. 

Liệu chúng ta có phân biệt được một tác phẩm do AI làm và do con người làm hay không ?  

Gauthier Vernier : Có một loại thẩm mỹ mà các thuật toán tạo ra mà chúng tôi có thể phân biệt được bằng mắt thường. Cũng có những thứ mà Trí tuệ nhân tạo gặp khó khăn ví dụ như bàn tay của các nhân vật. Đối với chúng tôi, việc AI tạo ra tác phẩm không quan trọng nếu như nó vẫn nằm trong lĩnh vực nghệ thuật. Điều mà chúng tôi quan tâm đó là thông điệp được truyền tải từ tác phẩm đó. Dĩ nhiễn là cách mà tác phẩm được tạo ra cũng rất quan trọng để hiểu được nghệ sỹ. Với chúng tôi, một tác phẩm là thành quả từ một quá trình làm nghệ thuật (démarche artistiqueds). Khi chúng ta quan tâm đến thông điệp mà nghệ sỹ muốn truyền tải, dĩ nhiên là chúng ta quan tâm đến công cụ mà người đó sử dụng, và công cụ này có thể là những thuật toán.  

Vậy Obivous có phải là một nhóm nghệ sỹ làm nghệ thuật ? 

Gauthier Vernier : Thực ra để nhận thức được mình có phải là nghệ sỹ hay không, chúng tôi cần chút thời gian vì cả 3 người đều không đến từ môi trường nghệ thuật hay qua trường lớp đào tạo. Lúc mà tác phẩm của chúng tôi được bán ở sàn đấu giá Christie’s. Chúng tôi thấy khó để tự nhận mình là nghệ sỹ. Mặc dù, tác phẩm được bán đấu giá lúc đó đã được thực hiện trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, hiện giờ chúng tôi đã đào sâu vấn đề này và cả quá trình thực hiện. Chúng tôi đã cho vẽ lại các tác phẩm do AI tạo ra nhờ vào các mô tả của chúng tôi và trưng bày tại đây. Theo thời gian, thì chúng tôi cũng thấy dễ dàng để nhận mình là nghệ sỹ hơn. Bởi vì chúng tôi đã thực sự khai thác chủ đề này và phát triển một loại tư duy phản biện, và chúng tôi muốn chia sẻ nó tại triển lãm. 

Với sự phát triển của công nghệ Trí tuệ nhân tạo, ngày nay ngày càng nhiều ngành nghề được làm bởi máy móc thay vì con người. Vậy ông đánh giá như thế nào về sự can thiệp của AI trong lĩnh vực nghệ thuật, khi mà sáng tạo là yếu tố cốt yếu của người nghệ sỹ ? 

Gauthier Vernier : Theo tôi, khi nói đến Trí tuệ nhân tạo là nói đến một công cụ phục vụ con người. Một là chúng ta sẽ phải chấp nhận làm việc với công cụ này để có thể tạo ra nhiều tác phẩm hơn và sáng tạo theo một cách khác. Hai là chúng ta sẽ ruồng bỏ công nghệ, và có thể nói : “Được thôi, tôi không muốn loại công nghệ này tồn tại” ! Vấn đề là dù trong trường hợp nào thì công nghệ cũng sẽ không dừng phát triển. Câu hỏi đặt ra là chúng ta sẽ sử dụng như thế nào. Về phần mình, chúng tôi cố gắng sử dụng công cụ này để tạo ra những thứ dễ dàng tiếp cận mọi người và giải thích cho mọi người rằng có những công cụ có thể sáng tạo, và trên hết là không làm gì sai trái cả. Chúng tôi cố gắng tạo ra những tác phẩm đẹp và khiến mọi người hài lòng. Hôm nay, là ngày cuối cùng của triển lãm và chúng tôi hy vọng rằng mọi người đã có thể khám phá ra những gì mà AI có thể làm.  

Tại Hoa Kỳ, tác phẩm Nhà hát lớn không gian (théatre d’opéra spatial) do Jason Allen tạo ra từ một phần mềm Trí tuệ nhân tạo Mid Journey, đã giành chiến thắng trong một cuộc thi tại Hội chợ bang Colorado. Một trong những phát ngôn gây sốc của tác giả khi chiến thắng, được BFM trích dẫn đó là nghệ thuật đã chết. Trí tuệ nhân tạo đã chiến thắng, loài người đã thất bại”. Ông đánh giá thế nào về phát biểu này ? 

Gauthier Vernier : Theo tôi Trí tuệ nhân tạo không phải là một hình thức thay thế, mà là một công cụ cho phép sửa đổi những thứ đã tồn tại. Tôi nghĩ rằng trong hàng trăm năm nữa, chúng ta sẽ vẫn muốn vẽ bằng chính đôi tay mình.

Đối với tôi, không có gì biến mất cả mà tất cả những công việc cần sự sáng tạo đều “rất con người”.  Chúng tôi cho rằng nghệ thuật và khoa học là hay yếu tố hỗ trợ nhau. Chúng ta có thể nhìn thấy điều đó trong lịch sử, ví dụ như sự xuất hiện của các ống đựng màu đã cho phép trường phái ấn tượng phát triển, hay kỹ thuật phối cảnh đánh dấu thời kỳ Phục Hưng, máy ảnh cho phép nhiếp ảnh phát triển. Chúng tôi cho rằng Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra rất nhiều ảnh hưởng đối với xã hội nhưng ảnh hưởng này khó có thể tạo ra một phong trào nghệ thuật gắn liền với nó. Nhưng chắc chắn rằng Trí tuệ nhân tạo và nghệ thuật có liên quan chặt chẽ với nhau. 

Xin cảm ơn Gauthier, thành viên của nhóm nghệ thuật Obvious, đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của RFI. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment