Ước vọng ‘đổi đời’ gian truân của thanh niên miền Bắc

March 5, 2023

\"\"

18 tuổi, vẫn chỉ là đi làm nông nhưng L.T.T.L nhận được 1.400 USD/tháng tiền công. Theo tỷ giá USD trung bình là khoảng 31 triệu-33 triệu đồng. Nghĩa là gấp bảy tám lần 10 lần thu nhập bình quân nông dân ở Việt Nam. Nếu vẫn còn ở nhà, L. và gia đình có nằm mơ cũng không thể có.

14.000 đô la Mỹ, khoảng trên 300.000 triệu đồng Việt Nam. Đây là khoản nợ mà L.T.T.L phải gánh để trả cho công ty môi giới, đổi lấy việc cô được sang Nhật làm việc theo dạng thực tập sinh kỹ thuật, hay còn gọi là tu nghiệp sinh kỹ năng. Cả hai tên gọi đều là uyển ngữ của xuất khẩu lao động tay nghề thấp.

18 tuổi, L. bắt đầu làm việc trong một trang trại trồng quýt ở miền Nam Nhật Bản vào tháng 8.2018. Cô kiếm được 1.400 USD/tháng (31 triệu đồng), nhưng gửi về nhà hầu hết số này để trả nợ và phụ giúp gia đình. Cô gửi đến 1.100-1.200 USD (120.000-130.000 yen) mỗi tháng, chỉ còn giữ 100-200 USD (20.000-30.000 yen), tức khoảng hơn hai triệu đến gần năm triệu đồng để chi phí cho cuộc sống của bản thân tại Nhật. 

Mức sống của L. được đánh giá là “vô cùng khó khăn”. 

Trung bình chi phí ăn uống, đi lại, thuê nhà… tối thiểu của thực tập sinh kỹ thuật như L., tại các vùng xa xa, có vật giá tương đối thấp hơn thủ đô Tokyo hay tỉnh Chiba… vào khoảng 50.000-60.000 yen/tháng. 

Một cô gái vừa mới chạm ngưỡng cửa trưởng thành, vẫn còn trong tuổi đang lớn, nhưng phải gần như tuyệt đối bóp mồm bóp miệng, nhịn ăn nhịn tiêu để chi phí hàng tháng giảm xuống chỉ còn một nửa hoặc hơn 1/3 đôi chút. Mức sống này còn eo hẹp hơn ở Việt Nam.

Nhưng nếu hàng tháng không gửi đủ tiền về, số nợ gia đình L. đã lo cho cô đi Nhật sẽ tăng lãi suất, khiến tổng số tiền phải trả nhiều hơn. Đồng nghĩa với việc sau khi kết thúc mấy năm lao động, L. sẽ dành dụm được ít tiền hơn để mang về Việt Nam làm vốn làm ăn. 

\"\"
Hầu hết thanh niên phải vay tiền nộp cho công ty môi giới để xuất ngoại với ước mơ đổi đời

Hoặc, như thường diễn ra, sau khi trả hết nợ, gia đình cô sẽ xây, sửa lại nhà cửa. Xây nhà mới đồng nghĩa với việc mua sắm hoặc thay mới các phương tiện gia dụng khá đắt tiền, với những thứ được chọn lựa đầu tiên là xe máy, tivi, tủ lạnh, máy giặt, bếp ga… Tiếp theo là mua sắm nông cụ, nếu nhà làm nông.

Mua thêm đất đai. Tiếp theo nữa có thể là dùng vốn để mở cửa hàng tạp hóa hay buôn bán nông sản, phân bón thuốc trừ sâu…v.v và từ giã nghề làm ruộng. Gia đình nào có con trai thì khi có tiền sẽ nuôi con tiếp tục đi học đến bậc đại học hoặc học nghề. 

Đó là cả một quá trình đổi đời lâu dài của toàn bộ người trong gia đình, có thể tính bằng chục năm. Tất cả quá trình đó phụ thuộc, trông đợi vào đồng tiền mà đứa con đang lao động ở nước ngoài gửi về.

Tại nhiều vùng ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, xuất khẩu lao động đem về nhiều tiền cho quê hương đến nỗi nó được chính quyền xác định là một trong những thế mạnh kinh tế. Huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) có hơn 15.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về trên 200 triệu USD, tức khoảng gần 5.000 tỷ đồng. Số tiền này gấp 13 lần tổng thu ngân sách toàn huyện (khoảng 380 tỷ đồng vào năm 2020).

Nguồn ngoại tệ mạnh do những người con lao động xa xứ gửi về để xây nhà cửa đã khiến bộ mặt làng xóm thay đổi toàn diện. Xã Đô Thành ở huyện Yên Thành nằm gần núi, trước kia dân chỉ sống bám vào cây lúa, rất khó khăn, nhưng sau nhiều năm ồ ạt đi lao động nước ngoài thì giờ đã thành “làng tỷ phú” xứ Nghệ.

Làng có hơn 4.000 hộ thì ¾ có nhà cao tầng hoặc biệt thự. Người lớn tuổi không phải làm ruộng nữa, hầu hết chỉ ở nhà chăm cháu nếu bố mẹ chúng đều đi lao động nước ngoài.  Hầu như mỗi gia đình đều có người đi lao động nước ngoài, có những nhà đi 3-5 người, cả con trai, con gái, rể, dâu. Đó là những tấm gương sáng rực động viên và cổ vũ cho những gia đình khác.  

Năm 2020, thu nhập bình quân của nông dân Việt Nam là 43 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu đồng/tháng.

18 tuổi, vẫn chỉ là đi làm nông nhưng L.T.T.L nhận được 1.400 USD/tháng tiền công. Theo tỷ giá USD trung bình là khoảng 31 triệu-33 triệu đồng. Nghĩa là gấp bảy tám lần 10 lần thu nhập bình quân nông dân ở Việt Nam. Nếu vẫn còn ở nhà, L. và gia đình có nằm mơ cũng không thể có. 

Chính vì thế, tuy phải thế chấp nhà đất vay ngân hàng cộng với vay nợ bà con họ hàng, thậm chí vay lãi nặng thêm để có đủ ba bốn trăm triệu đồng cho một suất “đi đơn hàng” tại những nước có thu nhập cao, yêu cầu về nhân công tay nghề thấp như Nhật, thì hầu như mọi gia đình đều sẵn lòng. 

Cuối năm 2019, thảm kịch 39 người Việt Nam chết trong thùng một chiếc xe tải đông lạnh ở Anh đã gây chấn động thế giới. Trong số các nạn nhân có 10 thanh thiếu niên, hai em nhỏ nhất 15 tuổi, một em 17 tuổi, bốn em 18 tuổi và ba em 19 tuổi. Những người còn lại ở độ tuổi 20-35, người lớn nhất 44 tuổi-đều trong lứa tuổi lao động. 

Chúng tôi đã cố gắng lần tìm thông tin và nói chuyện với người nhà của một số nạn nhân. Có những người đã ở vài nước Đông Âu vài năm, làm nhiều công việc chân tay khác nhau trước chuyến đi này. Vợ của một số người đàn ông cho chúng tôi biết ngôi nhà ở quê đã được xây khang trang nhờ tiền của những chuyến đi trước. Tuy nhiên, ở Đông Âu không có nhiều việc và nhiều tiền, chồng họ định đi lần này nốt vài năm, kiếm thêm tiền làm vốn về Việt Nam chuyển nghề rồi ở lại hẳn. 

Nguyễn Thị Trà My, cô gái 18 tuổi quê ở Nghèn, thị trấn nhỏ thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, trước khi chết vì ngạt thở trong container đã nghẹn ngào xin lỗi bố mẹ vì con đường đi nước ngoài không thành. 

Bố mẹ Trà My đã chuyển cho người môi giới 40.000 USD-gấp 100 lần tổng thu nhập hàng tháng của cả gia đình ở Việt Nam, để đưa Trà My sang Anh. Trà My đặt chân đến được nước Anh một lần trước khi chui vào thùng chiếc container định mệnh. Lần đó cô từ Pháp sang Anh, nhưng bị cảnh sát Anh bắt và buộc phải quay trở lại Pháp. Ở Pháp vài hôm, cô lại tìm cách sang Anh và cuối cùng có mặt trong chiếc container.

Bùi Thị Nhung, cô gái 18 tuổi thứ hai, sang Anh bằng tiền vay mượn của bạn bè. Lê Văn Hà, 30 tuổi, gia đình đã thế chấp hai miếng đất để vay 25.000 USD trả cho người môi giới. Anh C.H.D, một vợ hai con, vay 400 triệu đồng; anh C.H.T, một vợ bốn con, cầm cố nhà đất, vay 500 triệu đồng… Tất cả đều đã nằm lại ở Essex, để lại cho gia đình khoản nợ cụ thể và nỗi đau vô hình, tất cả đều khổng lồ.

\"\"
Bàn thờ một trong 39 nạn nhân chết trong xe container ở Anh hồi năm 2019

Nhưng ngay trong những đêm đau đớn đầu tiên, khi danh sách các nạn nhân vừa được phía Cảnh sát Anh đưa ra, ngay khi các lực lượng pháp luật của Anh và Việt Nam đang rốt ráo thắt chặt mọi hoạt động kiểm soát việc buôn người thì vài gia đình cùng làng với một số chàng trai đã chết, vẫn nhận được tin tức đầy vui mừng của con trai họ. Chúng cũng chỉ mới 18, 19 tuổi, chụp ảnh trên trang mạng Facebook thông báo đã đến Pháp và đang chờ sang Anh. Một hai ngày sau, một chàng trai up tấm ảnh chụp ở Anh lên Facebook, báo hiệu chuyến đi thành công mỹ mãn.

Bên dưới có hàng trăm lời chúc mừng của bạn bè, những người họ hàng lớn tuổi, hàng xóm, người quen… Nhiều người cho biết bản thân hoặc người thân của họ cũng sắp bước vào hành trình này và hy vọng cũng được thuận lợi như vậy.

Niềm vui được mô tả là “vỡ òa” này cân xứng với gánh nặng tài chính mà người đó có nghĩa vụ đáp lại với toàn thể gia đình, như trên đã kể. Đó là một trọng trách vô cùng nặng nề.

Chính vì thế khi biết mình sắp chết, điều đầu tiên cô gái Nguyễn Thị Trà My trăn trối với bố mẹ không phải là nỗi kinh hoàng về cái chết đang đến, mà lại là lời xin lỗi. Xin lỗi vì khi cô chết, bố mẹ sẽ phải gánh một khoản nợ cực lớn trong khi tương lai đổi đời đã tắt ngấm. 

Trong giờ lâm chung, cô gái nạn nhân trong thảm kịch gây ra bởi bọn buôn người lại tự lên án mình, cho rằng mình chính là thủ phạm cho sự nghèo khổ của cả gia đình.

Xót xa, tội nghiệp và phẫn nộ làm sao! 

Trần Mai

Bài Liên Quan

Leave a Comment