Trung Quốc : Khi nền kinh tế thứ 2 thế giới báo tín hiệu suy yếu

Sự phục hồi ngoạn mục của nền kinh tế thứ 2 thế giới nhờ dỡ bỏ các hạn chế phòng chống dịch Covid 19 hồi đầu năm nay không kéo dài được bao lâu. Kinh tế Trung Quốc liên tục phát đi những tín hiệu tiêu cực. Khủng hoảng bất động sản, chỉ số tiêu dùng chậm lại, xuất khẩu sụt giảm… Những chỉ số xấu của cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang là tâm điểm chú ý của báo chí quốc tế với những lo ngại của giới phân tích những ngày qua.

Đăng ngày: 04/09/2023

Ảnh  minh họa : Cảng Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 09/05/2020.
Ảnh minh họa : Cảng Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 09/05/2020. REUTERS – China Daily CDIC

Anh Vũ

Các chỉ số kinh tế tháng 7/2023 cho thấy Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn sau khi mở cửa trở lại. Cụ thể, tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm tốc, chỉ tăng 2,5%, trong khi tháng 6 tăng 3,1%, tháng 5 tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu lạm phát cho thấy nguy cơ giảm phát. Xuất khẩu giảm tháng thứ ba liên tiếp, với mức giảm tháng 7 là 14,5% so với cùng kỳ (7 tháng đầu năm 2023 giảm 5%), còn nhập khẩu giảm mạnh nhất trong 6 tháng qua (tháng 7 giảm 12,4%, 7 tháng đầu năm giảm 7,6%).

Giữa tháng 8, Country Garden, tập đoàn bất động sản dẫn đầu về doanh số bán nhà ở Trung Quốc trong năm 2022, đã mất khả năng thanh toán nợ quốc tế. Vài ngày sau, Evergrande – từng là chủ đầu tư bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc – nộp đơn xin phá sản ở Mỹ. Danh sách các hãng bất động sản có thể mất khả năng thanh toán được giới phân tích và truyền thông Trung Quốc dự báo ngày một dài hơn. Sự sụp đổ của thị trường bất động sản thường là khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong 2 tháng gần đây đạt mức cao kỷ lục là 21,3%.

Giới quan sát đang đặt ra nhiều câu hỏi : Phải chăng Trung Quốc đang trên bờ khủng hoảng kinh tế như một số phương tiện truyền thông đưa tin? Một “quả bom hẹn giờ”, theo như mô tả của tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây ? Hay đây là hồi kết của một sự thần kỳ kinh tế được xây dựng trên những ảo vọng chính trị ?

Theo Reuters, những khó khăn của nền kinh tế Trung Quốc hiện nay cho thấy chương trình tái cơ cấu kinh tế lần thứ 2 của Trung Quốc đang thất bại. Một thập kỷ trước, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề ra một chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng đến năm 2020 chuyển đổi nền kinh tế Trung Quốc theo mô hình thị trường kiểu phương Tây, tập trung thúc đẩy phát triển dịch vụ và tiêu dùng trong nước.

Cho dù theo nhiều nhà phân tích, những dấu hiệu xấu của kinh tế Trung Quốc chỉ là sự trì trệ nhất thời của mọi nền kinh tế lớn phát triển với tốc độ quá cao, như trường hợp đã thấy với Nhật Bản, nhiều người  không loại từ khả năng có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn. William Hurst , chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Cambridge, nhận đình : « Trong ngắn hạn, có nguy cơ lớn xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính hay kinh tế trên phạm vi rộng hơn và có thể nó sẽ khiến chính phủ Trung Quốc phải trả giá rất cao về chính trị xã hội. »

Trung Quốc thoát khỏi nền kinh tế có kế hoạch thời Mao Trạch Đông trong những năm 1980 với một nhu cầu rất lớn về phát triển nhà máy và hạ tầng cơ sở. Chính sách của Bắc Kinh đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu đầu tư, dựa trên trình độ phát triển khi đó. Nhờ vậy mà nền kinh tế đã tăng trưởng gấp bốn lần về mặt danh nghĩa, trong khi đó tổng nợ tăng gấp 9 lần. Để duy trì tăng trưởng ở mức cao, vào thập niên 2010, Trung Quốc đã tăng gấp đôi đầu tư vào hạ tầng cơ sở và bất động sản, gây bất lợi cho tiêu dùng của các hộ gia đình. Nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc còn thấp hơn phần lớn các nước khác. Chính sách của Bắc Kinh chủ yếu tập trung tạo công ăn việc làm trong xây dựng và công nghiệp, những lĩnh vực không hấp dẫn đối với lực lượng lao động mới tốt nghiệp đại học. Lĩnh vực bất động sản đến giờ chiếm một phần tư tỷ trọng hoạt động kinh tế, khiến các chính quyền địa phương bị rơi vào nợ nần không thể trang trải.

Bên cạnh đó nhiều vấn đề khách quan như đại dịch, dân số mất cân đối, căng thẳng địa chính trị càng làm trầm trọng thêm các khó khăn, khiến kinh tế Trung Quốc đã không thể phục hồi trong năm nay được, dù đã mở cửa từ đầu năm. Kinh tế Trung Quốc, hay nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc suy giảm, sẽ tác động đến đà phục hồi kinh tế toàn cầu, đặc biệt gây áp lực lớn đối với hoạt động sản xuất, thương mại của những nước vẫn còn lệ thuộc nặng nề vào thị trường Trung Quốc từ xuất khẩu, du lịch, cho đến nhập khẩu nguyên liệu như Việt Nam.

Bài Liên Quan

Leave a Comment