Hoa Kỳ bán 400 tên lửa Tomahawk cho Nhật Bản

Ngày 17/11/2023, Hoa Kỳ cho biết đồng ý bán 400 tên lửa hành trình Tomahawk cho Nhật Bản để nước này tăng cường năng lực phòng thủ. Cùng ngày, Mỹ cũng đúc kết một thỏa thuận với Hàn Quốc ưu tiên cung cấp cho nhau các loại thiết bị và sản phẩm liên quan đến quốc phòng nhằm tăng cường khả năng phục hồi các chuỗi cung ứng của hai nước trong lĩnh vực này. 

Đăng ngày: 18/11/2023

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P), tổng thống Mỹ Joe Biden (G) và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chụp ảnh chung nhân cuộc họp ba bên nhân thượng đỉnh APEC, San Francisco, Mỹ, ngày 16/10/2023.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P), tổng thống Mỹ Joe Biden (G) và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol chụp ảnh chung nhân cuộc họp ba bên nhân thượng đỉnh APEC, San Francisco, Mỹ, ngày 16/10/2023. AP – Godofredo A. Vásquez

Minh Anh

Theo AFP, hợp đồng bán tên lửa cho Nhật Bản có tổng trị giá là 2,35 tỷ đô la, bao gồm hai loại tên lửa Tomahawk, có tầm bắn đến 1.600 km, cùng với các thiết bị liên quan.

Trong thông cáo, bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết thương vụ này nhằm« hỗ trợ an ninh cho một đồng minh quan trọng, một sức mạnh giúp ổn định chính trị và tiến bộ kinh tế trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương ». 

Hợp đồng vũ khí này sẽ giúp Nhật Bản « cải thiện năng lực đáp trả các mối đe dọa hiện tại và trong tương lai qua việc cung cấp các loại tên lửa quy ước địa đối địa tầm xa ».

Thỏa thuận vũ khí này được đúc kết vào lúc Nhật Bản ngày càng lo lắng trước việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và tiến hành nhiều cuộc tập trận xung quanh đảo Đài Loan, cũng như mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên với nhiều cuộc bắn thử tên lửa đạn đạo trong những năm gần đây.  

Điểm đặc biệt là thỏa thuận được đúc kết cho dù Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa nối lại đối thoại với Trung Quốc nhân thượng đỉnh APEC tại San Francisco, Mỹ. 

Mỹ – Hàn ký Thỏa thuận về An toàn Cung ứng

Cũng trong ngày hôm qua, Cơ quan chính phủ đặc trách mua sắm vũ khí của Hàn Quốc và bộ Quốc Phòng Mỹ đã ký kết « Thỏa thuận về An toàn Cung ứng » (SOSA). Văn bản quy định mỗi bên có quyền yêu cầu đối tác ưu tiên cung cấp sản phẩm quốc phòng.  

Theo Yonhap, thỏa thuận này là một phần trong các nỗ lực của Seoul nhằm tăng cường sức mạnh quân sự theo nguyên tắc « hòa bình thông qua sức mạnh », trong khi Washington tìm cách bảo đảm an ninh cho chuỗi cung ứng quân sự trong bối cảnh tình hình địa chính trị có những bất ổn. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment