Hiểm họa ngộ độc chì toàn cầu

Saigon Nhỏ

Xe Tuk Tuk chạy điện ở Ấn Độ (ảnh: Pallava Bagla/Corbis via Getty Images)

Cuộc cách mạng xe điện đang bùng nổ tại các nước giàu phương Tây. Thiên hạ, dù dè dặt, vẫn bắt đầu quan tâm xe điện ngày càng nhiều. Các nước nghèo cũng đang trải qua làn sóng xe điện. Ở Bangladesh, xe taxi ba bánh chạy điện, hay còn gọi là xe tuk tuk hoặc xe kéo, đang nhanh chóng thay thế thế hệ xe xăng.

Xe điện đương nhiên giúp hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm hiệu ứng nhà kính tác động đến biến đổi khí hậu và giúp tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, mỗi chiếc xe tuk tuk chạy bằng 5 cục pin axit chì khổng lồ, chứa tổng cộng gần 300 pound chì. Khoảng một năm rưỡi trở đi, khi pin cần được thay và tái chế, khoảng 60 pound chì sẽ rò rỉ ra môi trường. Tái chế pin, thường ở các nhà máy luyện kim không được kiểm soát, là một hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao nhưng nguy hiểm.

Chì là chất độc nguy hiểm cho hệ thần kinh và bất kỳ sự tiếp xúc nào với nó đều có hại cho sức khỏe. Chì xâm nhập vào môi trường gây tổn hại cho con người ở mức độ nghiêm trọng. Các ước tính do nhiều tổ chức khác nhau công bố cho thấy chì giết chết khoảng 1.6 triệu đến 5.5 triệu người mỗi năm.

Ngay cả những ước tính thận trọng nhất về số ca tử vong do phơi nhiễm chì cũng vượt quá số ca tử vong toàn cầu do bệnh lao. Ngân hàng Thế giới ước tính chì giết chết 5.5 triệu người mỗi năm – nhiều hơn cả AIDS, sốt rét, tiểu đường và tử vong tai nạn giao thông cộng lại.

Ngộ độc chì đặc biệt ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ. Ngoài ra, phơi nhiễm chì ở mức độ thấp còn liên quan đến khả năng học tập cũng như rối loạn hành vi. Ở mức độ phơi nhiễm cao, các triệu chứng tổn hại thần kinh nghiêm trọng và gây nguy hiểm tính mạng có thể xảy ra, trong đó có tê liệt, co giật và hôn mê. Ngộ độc chì còn có thể làm suy giảm chức năng trên toàn cơ thể, chẳng hạn như ở thận hoặc hệ sinh sản.

Tháng Sáu 2023, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ chính thức công nhận việc tiếp xúc với chì và các kim loại nặng khác là yếu tố gây nguy cơ đáng kể đối với bệnh tim mạch. Một đánh giá năm 2018 do nhà dịch tễ học Rajiv Chowdhury dẫn đầu đã liên kết nồng độ chì trong máu cao, làm tăng 85%  nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và tăng 63% nguy cơ đột quỵ.

Từ những năm 1920, các công ty dầu mỏ bắt đầu thêm chì tetraethyl (tetraethyl lead) vào xăng để giảm tiếng ồn động cơ. Do vậy, khi việc sở hữu xe hơi bùng nổ ở Mỹ sau Thế chiến thứ hai – tăng gấp đôi từ năm 1940 đến năm 1960 và một lần nữa từ năm 1960 đến năm 1980 – lượng khí thải chì cũng tăng theo. Giữa những năm 1960, gần như mọi trẻ em ở Mỹ đều có lượng chì trong máu cao hơn mức được coi là an toàn hiện nay. Hậu quả rất lớn nhưng cũng lan tỏa và khó quan sát trực tiếp. Người Mỹ sinh vào những năm 1960 và 1970 trung bình mất khoảng năm điểm IQ do tiếp xúc với chì.

Năm 1970, việc sửa đổi Đạo luật Không khí Sạch (Clean Air Act) đã đánh dấu sự khởi đầu việc chấm dứt ngộ độc chì hàng loạt ở Mỹ. Việc sửa đổi cho phép Cơ quan Bảo vệ Môi trường cấm sử dụng xăng pha chì trên tất cả xe hơi sản xuất sau năm 1975; xăng pha chì dần bị loại bỏ sau đó và gần như bị loại bỏ hoàn toàn khỏi thị trường vào đầu những năm 1990. Các cơ quan quản lý đã cấm sơn có chất chì trong dân dụng vào năm 1978 và cấm sử dụng chì trong hệ thống ống nước vào năm 1986. Đến những năm 1990, tỷ lệ trẻ em Mỹ có nồng độ chì trong máu tăng cao đã giảm 3/4, chỉ còn 2-3% vào thập niên đầu thế kỷ 21.

Nói rõ hơn, ngộ độc chì vẫn tồn tại ở Mỹ nhưng tình hình có chuyển biến, cả về mặt thống kê lẫn ý thức. Cụ thể, cuộc khủng hoảng rò rỉ chì năm 2014 ở Flint, Michigan, gây ô nhiễm nguồn nước uống thành phố, dẫn đến việc khoảng 100,000 người (khoảng một phần tư trong đó là trẻ em, bị phơi nhiễm trong hơn một năm), đã làm cộng đồng phẫn nộ, thúc đẩy sự hồi sinh những nỗ lực loại bỏ chì. Năm 2021, Quốc hội đã phân bổ $15 tỷ trong Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng (Bipartisan Infrastructure Law) để thay thế các đường ống dẫn (làm bằng) chì.

Tuy nhiên, ở phần còn lại của thế giới, ngộ độc chì vẫn xảy ra. Tiếp xúc với chì không an toàn vẫn xuất hiện và gây ảnh hưởng đối với trẻ em ở các nước đang phát triển. Năm 2020, UNICEF và Pure Earth, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên ngăn chặn phơi nhiễm chì và thủy ngân, ước tính rằng 800 triệu trẻ em có nồng độ chì trong máu trên 5 microgam/dl. Điều đó có nghĩa cứ ba trẻ em trên thế giới thì một em có nồng độ chì trong máu đủ cao để được coi là ngộ độc chì. Và ở nhiều quốc gia, chẳng hạn Bolivia, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ấn Độ, mức độ phơi nhiễm chì trung bình ở trẻ em được ước tính cao hơn mức chuẩn trên.

Các chính phủ trên toàn cầu đã đạt được một số tiến bộ trong việc tuyên chiến với chì. Xăng pha chì đã bị loại bỏ dần trên khắp thế giới. Xăng pha chì đã bị cấm ở nhiều nước giàu và phần lớn châu Mỹ Latin vào giữa những năm 1990, trên phần lớn châu Á vào năm 2000 và hầu hết châu Phi vào giữa thập niên đầu thế kỷ 21. Algeria là quốc gia cuối cùng tuyên chiến với chì vào năm 2021.

Tuy nhiên, tình trạng phơi nhiễm vẫn kéo dài, vì dù chì rất độc nhưng nó lại hữu ích. Là một kim loại nặng, dễ uốn và hầu như không thể phá hủy, chì được ứng dụng trong ống dẫn, trong lưới đánh cá, đồ trang sức và đạn dược. Các chất màu có chứa chì luôn bền, thường được sử dụng để tạo màu cho sơn, men và mỹ phẩm.

Vì nhiễm độc chì không thể nhìn thấy bằng mắt thường nên nhiều quốc gia nghèo – và có thể cả một số quốc gia giàu – thậm chí không nhận thức được rằng họ đang đối diện một vấn đề nguy hiểm sống còn. Cho đến nay, ứng dụng chì phổ biến nhất là trong pin. Pin axit chì vẫn cung cấp năng lượng cho động cơ xe chạy xăng và hiện chúng ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho pin xe điện. Chúng có thời hạn sử dụng hạn chế (thường từ sáu tháng đến ba năm) nhưng có thể được tái chế. Tại Hoa Kỳ và các quốc gia giàu, việc tái chế pin được thực hiện an toàn tại những cơ sở công nghệ cao, được quản lý chặt, hầu như không gây rủi ro cho người lao động và cộng đồng.

Nhưng ở những nơi như Bangladesh, việc tái chế pin nguy hiểm hơn. Quy trình tái chế được thực hiện tại các hố lộ thiên nằm ngay trong các khu đô thị đông đúc, gây ô nhiễm đất, không khí và nước. Đây là mặt tối của cuộc cách mạng điện khí hóa: Do thiếu cơ sở tái chế an toàn – điều hiếm khi tồn tại ở các nước nghèo – sự phát triển của các phương tiện chạy bằng pin sẽ làm tăng đáng kể tỷ lệ nhiễm độc chì.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024 ở Davos, giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Samantha Power cho biết, Hoa Kỳ sẽ giúp giải quyết vấn đề nhiễm độc chì, với việc dành $4 triệu tài trợ cho các chương trình thí điểm ở Ấn Độ và Nam Phi. Mỹ cũng sẽ tham gia Liên minh toàn cầu loại bỏ sơn có chì (Global Alliance to Eliminate Lead Paint), một sự hợp tác giữa Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới.

Với nhiều nước, các chính phủ cũng cần phải có quy định chặt chẽ hơn. Sơn có chì vẫn hợp pháp ở 70 quốc gia. Gần 80% sơn ở Ấn Độ có hàm lượng chì không an toàn, bất chấp luật cấm bán sơn có chì trên thị trường.

Bài Liên Quan

Leave a Comment