PHÂN TÍCH: Hoa Kỳ đương đầu với ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, xác định Bắc Kinh là đối thủ chiến lược chính

‘ĐCSTQ đang tiến hành các cuộc đối đầu gián tiếp với Hoa Kỳ nhằm phá hủy trật tự quốc tế hiện tại,’ ông Carl Schuster cho hay.

PHÂN TÍCH: Hoa Kỳ đương đầu với ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, xác định Bắc Kinh là đối thủ chiến lược chính

Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói chuyện với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong hội nghị tại Nhà khách Quốc gia Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh, ngày 31/12/2019. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)

Jenny Li

Sean Tseng

Thứ bảy, 17/02/2024

Trong nỗ lực phối hợp nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, Ngũ Giác Đài đã nhấn mạnh rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là đối thủ chiến lược chính của Hoa Kỳ. Các quan chức quân sự cao cấp của Hoa Kỳ nói rằng khu vực này đang trở thành một đấu trường cạnh tranh với sự tham gia của các cường quốc như Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nga.

Hôm 02/02, Hoa Kỳ đã tiến hành các chiến dịch tấn công nhắm vào 85 cơ sở trên khắp Iraq và Syria có liên quan đến quân đội Iran và các nhóm chiến binh đồng minh. Các cuộc không kích nhắm vào các trung tâm chỉ huy và tình báo, cũng như các kho hỏa tiễn, phi đạn, phi cơ không người lái, và đạn dược, là sự đáp trả đối với việc ba lính Mỹ chịu thiệt mạng gần đây ở Jordan do các chiến dịch của phiến quân.

Những cuộc tấn công phủ đầu này tập trung vào các căn cứ nằm ở những vùng đất xa xôi ở Iraq và Syria, cố tình né tránh lãnh thổ Iran để giảm thiểu nguy cơ leo thang. Hoa Kỳ cũng tiến hành các bước cung cấp cảnh báo trước, có khả năng để làm giảm thương vong cho Iran.

“Hoa Kỳ không tìm kiếm xung đột ở Trung Đông hay bất kỳ nơi nào khác trên thế giới,” Tổng thống Joe Biden nói. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng nhắc lại quan điểm này khi tuyên bố rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để tránh một cuộc xung đột rộng hơn trong khu vực.”

ĐCSTQ: Thách thức chiến lược hàng đầu của Hoa Kỳ

Song song với việc không kích các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn, ông Scott Berrier, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng sắp mãn nhiệm, đã nhấn mạnh trong buổi chia tay của mình về sự cạnh tranh chiến lược do Trung Quốc tạo ra. Ông xem ĐCSTQ là đối thủ cạnh tranh chiến lược “số một và duy nhất” của Hoa Kỳ.

Ông Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, đã giải thích chi tiết về quan điểm này trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.

“Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược chính của Hoa Kỳ. Trung Quốc có nhiều sức mạnh ngoại giao, kinh tế, và quân sự hơn Liên Xô từng mơ ước có được. Trung Quốc cũng mạnh hơn đáng kể so với Nga. Nga và Iran là những mối đe dọa chiến lược trước mắt. Nghĩa là, hiện tại họ là các mối đe dọa đang hoạt động và thách thức các lợi ích của Hoa Kỳ,” ông nói.

“Trung Quốc đang chuẩn bị cho ngày họ có thể đe dọa chúng ta về mặt vật lý, nhưng Bắc Kinh sẽ đợi cho đến khi sức mạnh ngoại giao, kinh tế, và chính trị trong nước của Hoa Kỳ suy giảm hơn nữa trước khi cố thử làm điều đó,” ông Schuster nói thêm.

Ông Schuster cho rằng ĐCSTQ đang tiến hành các cuộc đối đầu gián tiếp với Hoa Kỳ nhằm phá hủy trật tự quốc tế hiện tại mà không cần viện đến xung đột quân sự. Chiến lược này liên quan đến việc tăng cường hiệp trợ cho các quốc gia như Iran, Bắc Hàn, và Nga, từ đó gây căng thẳng cho các nguồn lực của Hoa Kỳ và gián tiếp thách thức ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Sự trợ giúp chiến lược của ĐCSTQ dành cho Nga, Iran, và Bắc Hàn

Để thể hiện sự liên minh về mặt địa chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân (Dong Jun) đã cam kết ủng hộ vững chắc cho Nga trong bối cảnh xung đột diễn ra ở Ukraine. Lời bảo đảm này được chuyển tải trong cuộc đối thoại của ông với người đồng cấp Nga Sergei Shoigu, bằng chứng là một đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố hôm 05/02.

Dù vấp phải sự phản đối từ Hoa Kỳ và châu Âu, nhưng ông Đổng vẫn nhấn mạnh rằng ĐCSTQ sẽ kiên định giữ vững các chính sách liên quan đến Ukraine, khẳng định sức ép bên ngoài sẽ không ngăn cản được hợp tác Trung-Nga.

Sự hiệp trợ của ĐCSTQ vượt trên phạm vi của Nga để bao trùm cả Bắc Hàn, quốc gia mà Trung Quốc có chung đường biên giới đáng kể và có lịch sử hợp tác kinh tế ngày càng tăng. Từ năm 2000 đến 2015, thương mại giữa Trung Quốc và Bắc Hàn đã mở rộng đáng kể. Năm 2015, việc khánh thành các tuyến đường vận chuyển nhằm tăng cường xuất cảng than của Bắc Hàn sang Trung Quốc đã đánh dấu đỉnh cao trong quan hệ thương mại song phương.

Mối quan hệ của Iran với ĐCSTQ phản ánh một mối quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt khi nước này phải đối diện với các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm hạn chế tham vọng hạt nhân của họ. Trung Quốc đã nổi lên là khách hàng mua dầu chính của Iran và là đồng minh thương mại lớn, tạo thuận lợi cho những tiến bộ quân sự thông qua trao đổi công nghệ quân sự và khí tài. Sự hợp tác này đã cho phép Iran hậu thuẫn cho các nhóm dân quân ở Trung Đông, làm phức tạp thêm các động lực an ninh khu vực.

Tác động của các liên minh này thể hiện rõ qua căng thẳng gia tăng giữa Iran và Hoa Kỳ. Một biểu hiện rõ ràng của cuộc xung đột này là cuộc tấn công bằng phi cơ không người lái của lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn vào quân đội Hoa Kỳ ở Jordan hôm 28/01, dẫn đến thương vong cho lính Mỹ.

Vụ việc này nhấn mạnh mạng lưới quan hệ quốc tế phức tạp và vị thế chiến lược của ĐCSTQ trong việc giúp các quốc gia thách thức lợi ích và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên trường toàn cầu.

Trung Đông: Chiến trường chiến lược của các cường quốc toàn cầu

Trong một bài trình bày chi tiết, Trung tướng Alexus Grynkewich, chỉ huy Lực lượng Không quân thuộc Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh Trung Đông là “mảnh đất màu mỡ cho cạnh tranh chiến lược” giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc, và Nga.

Tháng 10/2023, khi nói với các ký giả quốc phòng, Trung tướng Grynkewich nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Trung Đông đối với Trung Quốc, lưu ý rằng khu vực này cung cấp khoảng một nửa lượng dầu mỏ và một phần đáng kể khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc. Mức tiêu thụ năng lượng này là công cụ của Trung Quốc trong việc thúc đẩy ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng.

Trung tướng Grynkewich bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm làm giảm ảnh hưởng lâu dài của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Hiện tại, chiến lược của Trung Quốc liên quan đến việc tận dụng ảnh hưởng kinh tế và sáng kiến “Vành đai và Con đường” mở rộng để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trên toàn cầu. Tuy nhiên, những cam kết tài chính này thường đi kèm với những ràng buộc bất lợi cho các quốc gia tiếp nhận, dẫn đến những bẫy nợ tiềm ẩn.

Nhấn mạnh sự phát triển tự nhiên từ lợi ích kinh tế sang lợi ích quân sự, Trung tướng Grynkewich cảnh báo về khả năng ĐCSTQ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trung Đông để bảo vệ các lợi ích kinh tế đang phát triển của mình.

Có thể tìm thấy cơ sở cho suy đoán này trong những diễn biến gần đây, khi truyền thông Iran và Nga đưa tin rằng Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung với Iran và Nga, củng cố hơn nữa sự hợp tác quân sự của ba quốc gia. Những cuộc diễn tập như vậy diễn ra sau các cuộc tập trận chung trước đây ở Vịnh Oman, nhấn mạnh tình hữu nghị quân sự ngày càng tăng giữa các quốc gia này.

Ông Schuster cũng giải thích thêm về ý nghĩa địa chiến lược của Trung Đông. Vai trò của khu vực này với tư cách là bên cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên lớn khiến Trung Đông trở thành mối quan tâm sống còn đối với các cường quốc toàn cầu, bao gồm Hoa Kỳ cùng châu Âu và châu Á, nhất là các quốc gia ở hai khu vực vừa nêu.

“Trung Quốc đang nỗ lực để thách thức, nếu không muốn nói là vượt qua, ảnh hưởng và quyền lực của Hoa Kỳ ở Trung Đông. Đó là một trong những lý do khiến Trung Quốc giúp Iran, đầu tư mạnh vào Iraq, và cố gắng thu hút các đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ ở Trung Đông, cũng như Ai Cập, Saudi Arabia, và Kuwait,” ông nói.

Vị thế chiến lược này của Trung Quốc cho thấy tham vọng lớn hơn của quốc gia này là xoay chuyển các động lực quyền lực toàn cầu theo hướng có lợi cho mình, sử dụng Trung Đông làm đòn bẩy chính trong việc điều chỉnh địa chính trị này.

Hân Nhi biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment