Quốc hội Khóa 14 Trung Quốc: Bắc Kinh vật lộn giải quyết thách thức ‘già trước khi giàu’

Ông Tập Cận Bình và ông Lý Cường
Chụp lại hình ảnh,Ông Tập Cận Bình và ông Lý Cường vào cuối phiên khai mạc của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 5 tháng 3 năm 2024.

  • Tác giả,Peter Hoskins
  • Vai trò,Phóng viên Kinh doanh
  • 8 giờ trước

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng khoảng 5% trong năm nay khi công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy yếu của mình.

Thủ tướng Lý Cường đã đưa ra thông báo này tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC) thường niên vào thứ Ba.

Ông Lý thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đang gặp ‘khó khăn’ và rằng nhiều vấn đề “vẫn chưa được giải quyết”.

Phát ngôn của ông Lý được đưa ra khi Trung Quốc đang chật vật phục hồi nền kinh tế từng bùng nổ của mình.

Ông nói: “Rủi ro và nguy hiểm tiềm ẩn trong lĩnh vực bất động sản, trong nợ công chính phủ, và trong các tổ chức tài chính vừa và nhỏ đang rất nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh này, chúng tôi phải đối mặt với nhiều tình huống vô cùng khó xử trong việc đưa ra và thực hiện các quyết sách.”

Một loạt biện pháp khác nhằm giúp thúc đẩy nền kinh tế ì ạch sau đại dịch cũng được vạch ra, bao gồm các sáng kiến mới để vực dậy lĩnh vực bất động sản đang khủng hoảng. Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu tạo thêm 12 triệu việc làm ở khu vực thành thị.

Thủ tướng Lý cho biết, sẽ tăng cường các quy định về thị trường tài chính và nghiên cứu các công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học đời sống.

Trong nhiều thập kỷ, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Các số liệu chính thức cho thấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng trưởng trung bình gần 10% một năm.

Trung Quốc đã vượt mặt Nhật Bản, trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bắc Kinh tuyên bố rằng họ đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Bắc Kinh cho biết năm ngoái nền kinh tế đã tăng trưởng 5,2%, mức này thậm chí vẫn còn thấp đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, một số nhà phê bình cho rằng con số thực tế có thể ít hơn 1/3 con số đó.

Andrew Collier, Giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Trung Quốc Orient Capital Research nói với BBC: “Tôi nghĩ 5 hoặc 10 năm tới sẽ rất khó khăn”.

Ông nói thêm: “Rất nhiều nhà kinh tế cho rằng những con số này hoàn toàn bịa đặt. Tăng trưởng 5,2% hoặc 5,5% rất có khả năng là sai. Nó chỉ 1% hoặc 2%”.

Cho dù số liệu nào là chính xác thì rõ ràng đất nước rộng lớn này và các lãnh đạo đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế.

Các thách thức đó bao gồm thị trường bất động sản và chứng khoán khủng hoảng, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và nguy cơ giảm phát khi giá tiêu dùng tiếp tục giảm.

Những vấn đề trước mắt này kết hợp với các vấn đề dài hạn hơn, từ căng thẳng thương mại và địa chính trị đến tỷ lệ sinh giảm và dân số già ở Trung Quốc.

Evergrande là điển hình của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc với khoản nợ hơn 300 tỷ USD
Chụp lại hình ảnh,Evergrande là điển hình của cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc với khoản nợ hơn 300 tỷ USD

Những thách thức kinh tế

Thách thức nghiêm trọng nhất liên quan đến thị trường nhà đất, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chiếm khoảng 20% nền kinh tế.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Hang Seng (Trung Quốc), cho biết, đây là một vấn đề lớn “không chỉ đối với các nhà phát triển bất động sản mà cả các ngân hàng khu vực”.

Cuộc khủng hoảng trong ngành bất động sản gây rúng động vào tuần trước khi nhà phát triển tư nhân lớn nhất Trung Quốc, Country Garden, bị một chủ nợ ở Hong Kong đâm đơn yêu cầu giải thể.

Vụ việc xảy ra chỉ một tháng sau khi đối thủ Evergrande đang ngập trong nợ nần bị tòa án thành phố ra lệnh thanh lý.

Và trong khi phần lớn thế giới đang phải vật lộn với giá cả tăng vọt sau đại dịch, Trung Quốc là một trong số ít nền kinh tế lớn tránh được lạm phát cao.

Tuy nhiên hiện nay họ đang phải giải quyết vấn đề ngược lại – giá cả liên tục giảm hoặc giảm phát.

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc giảm trong tháng Giêng với tốc độ nhanh nhất trong gần 15 năm, đánh dấu tháng giảm thứ tư liên tiếp.

Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2009, khi nền kinh tế thế giới vẫn đang quay cuồng vì ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Giảm phát có hại cho nền kinh tế vì nó có thể có nghĩa là mọi người tiếp tục trì hoãn việc mua những mặt hàng giá trị lớn như máy giặt hoặc ô tô với kỳ vọng rằng chúng sẽ rẻ hơn trong tương lai.

Nó cũng có tác động đến người dân và doanh nghiệp mắc nợ. Giá cả và thu nhập có thể giảm nhưng nợ thì không. Đối với một công ty có doanh thu giảm hoặc một hộ gia đình có thu nhập giảm, việc trả nợ trở thành gánh nặng.

Tất cả những điều này có nghĩa là Trung Quốc đang thiếu một thứ quan trọng để có một nền kinh tế vững mạnh: sự tự tin. Và giới chức đang nỗ lực trấn an các nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Bà Catherine Yeung từ Fidelity International nói với BBC: “Thông điệp từ các nhà hoạch định chính sách tiếp tục hướng tới việc khôi phục niềm tin và nhu cầu trong nước”.

Cho đến nay điều đó có nghĩa là một loạt các biện pháp tương đối nhỏ nhắm vào các bộ phận khác nhau của nền kinh tế.

Chỉ riêng trong năm nay, các nhà đầu tư đã được cắt giảm chi phí vay, được cung cấp các hỗ trợ tiếp. Trung Quốc cũng tiến hành nhiều động thái khác để giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản.

Đầu tháng này, trong một động thái gây sốc, người đứng đầu cơ quan quản lý thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị thay thế. Đây được coi là tín hiệu cho thấy chính phủ đã sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh để chấm dứt tình trạng suy thoái trên thị trường chứng khoán trị giá tám nghìn tỷ USD.

Các quan chức cũng đã có động thái kiểm soát các nhà giao dịch đặt cược vào cổ phiếu của các công ty Trung Quốc và áp đặt các quy định mới về việc bán cổ phiếu vào đầu và cuối ngày giao dịch.

Dân số già đi và sự cân bằng địa chính trị mong manh

Trump

Ngoài những vấn đề trước mắt này, Trung Quốc còn phải đối mặt với một số thách thức sâu rộng hơn, bao gồm tăng trưởng năng suất chậm lại và dân số già đi.

Qian Wang, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại công ty đầu tư Vanguard, cho biết: “Vấn đề nhân khẩu học khá bất lợi. Dân số già đi nhanh chóng do chính sách một con”.

Bà nói thêm: “Không giống như Nhật Bản giàu trước khi già, Trung Quốc già đi trước khi giàu”.

Ngoài ra còn có vấn đề địa chính trị khó giải quyết với Đài Loan.

Bắc Kinh coi Đài Loan tự trị là một tỉnh ly khai mà cuối cùng sẽ là một phần của Trung Quốc và không loại trừ việc sử dụng vũ lực để đạt được điều này. Nhưng Đài Loan tự coi mình tách biệt với Trung Quốc đại lục.

Đài Loan là điểm nóng quan trọng trong cuộc tranh giành quyền bá chủ giữa Trung Quốc và Mỹ ở châu Á.

Mâu thuẫn với Đài Loan khiến mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và nhiều nền kinh tế lớn khác của phương Tây trở nên phức tạp hơn.

Ngoài ra còn có tranh chấp thương mại đang diễn ra với Mỹ, bắt đầu vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump và không có dấu hiệu dịu bớt dưới thời chính quyền Biden.

Nhiệm kỳ thứ hai đầy tiềm năng của ông Trump có thể chứng kiến căng thẳng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.

Ông Trump, trong những bình luận có tính diều hâu đặc trưng về Trung Quốc, cho biết ông sẽ áp đặt nhiều mức thuế hơn lên hàng hóa của nước này nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, ông cho biết mức các thuế có thể vượt quá 60%: “Chúng tôi phải làm điều đó,” ông nói.

Mặc dù điều đó có thể thu hút truyền thông, nhưng bà Yeung cho rằng thị trường tài chính có thể đón nhận nó một cách dễ dàng.

Bà nói: “Tin xấu này đã được đưa vào định giá cổ phiếu từ trước”.

Liệu các kế hoạch dài hạn của ông Tập có xoay chuyển được vận mệnh đất nước ông hay không vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, điều rõ ràng là hơn 1,4 tỷ dân nước này khó có thể sớm quay về mức tăng trưởng hai con số hàng năm và sự thịnh vượng đi kèm với nó.

Bài Liên Quan

Leave a Comment