Kết nạp thêm nhiều thành viên: EU phải đối phó với các thách thức nào?

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraina, việc mở rộng Liên Âu đã trở thành cấp bách. Một số lãnh đạo châu Âu nói đến việc kết nạp một số thành viên mới ngay trước ngưỡng 2030. Nếu như đợt kết nạp, cách nay 20 năm, 10 thành viên, đa số là các nước Cộng Sản Đông Âu cũ, diễn ra trong bối cảnh hòa bình, thì tình hình bây giờ hoàn toàn khác, với chiến tranh ngay cửa ngõ của khối. Liên Âu phải vượt qua thách thức nào trong dự án kết nạp thêm thành viên?

Đăng ngày: 02/05/2024

Manifestanții cu steaguri naționale georgiene, ucrainene și UE protestând în fața clădirii parlamentului din Tbilisi, Georgia
Biểu tình ủng hộ Liên Âu tại thủ đô Gruzia, ngày 18/04/2024. Trong ảnh, người biểu tình giương cờ Liên Âu, quốc kỳ Gruzia và Ukraina. AP – Shakh Aivazov

Trọng Thành

Kết nạp thành viên mới: Vấn đề ‘‘sống còn’’ với Liên Hiệp

Tính từ đợt kết nạp cùng lúc 10 thành viên mới năm 2004 cho đến trước cuộc xâm lược Ukraina của Nga, Liên Âu (EU) chỉ kết nạp thêm 3 thành viên mới là Rumani, Bulgari và Croatia. Theo nhiều nhà quan sát, cuộc xâm lược của Nga là một tác nhân trực tiếp khiến việc đẩy nhanh kết nạp các thành viên mới trở thành một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của Liên Âu. Tuần báo Pháp l’Express, trong một phân tích hồi trung tuần tháng 4/2024, nói đến ‘‘cuộc chiến địa chính trị có ý nghĩa sống còn’’ đối với Liên Hiệp Châu Âu, ‘‘diễn ra song song với cuộc chiến tranh tại Ukraina, và một phần bắt nguồn từ cuộc chiến tranh tại Ukraina’’. Liên Âu ‘‘buộc phải mở rộng để ngăn chặn các tham vọng đế quốc của nước Nga của Putin’’. Báo cáo của Ủy Ban Châu Âu hồi tháng 3/2024, liên quan đến viện mở rộng khối, khẳng định : ‘‘Việc kết nạp các thành viên mới nằm trong ‘lợi ích chiến lược’ của Liên Âu, bởi các thành viên mới sẽ cho phép khối có trọng lượng địa chính trị lớn hơn, và ảnh hưởng lớn hơn trên trường quốc tế’’, theo báo Đức Deutsch Welle.

Tháng 12/2023, lãnh đạo 27 nước châu Âu đã phác họa ‘‘một bản đồ tương lai của Liên Âu’’, dự kiến sẽ bao gồm Ukraina, Moldova, Gruzia và sáu quốc gia vùng Tây bán đảo Balkan (gồm Albani, Bosnia-Herzegovina, Kosovo, Bắc Macedoinia, Montenegro và Serbia). Tháng 12 là thời điểm Liên Âu công nhận quy chế ứng viên vào Liên Âu đối với Ukraina, Gruzia và Moldova, một quốc gia đang bị Nga xâm lược và hai quốc gia đứng ‘‘tuyến đầu’’, với các vùng ly khai thân Nga nằm trong lãnh thổ, cùng ảnh hưởng mạnh của Nga trong hệ thống chính trị.

Báo Bỉ L’Echo, đúng vào dịp Liên Âu kỷ niệm 20 năm đợt kết nạp 10 thành viên, có bài ‘’20 năm sau vụ ‘‘Big bang’’, Liên Âu đang chuẩn bị cho một đợt kết nạp mới”. Ngày 30/04, các ngoại trưởng của 27 nước Liên Âu đã có một cuộc họp không chính thức ‘‘lần đầu tiên’’ bàn về việc kết nạp sáu quốc gia vùng Tây bán đảo Balkan, vốn đã được công nhận ‘‘quy chế ứng cử viên’’ vào Liên Âu. Sau cuộc họp này, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Vera Jourova, vui mừng cho biết, đây có thể coi là một cuộc tập dượt, để chuẩn bị cho việc ‘‘37 quốc gia châu Âu ngồi chung một bàn’’. Chính trị gia người Cộng Hòa Séc này nhấn mạnh: việc kết nạp cùng lúc 10 quốc gia hồi 2004 là một quyết định dũng cảm’’. Là thành viên của Liên Âu và NATO có nghĩa là nước Nga đế quốc không còn có thể tấn công các nước chúng tôi’’.

Các ứng viên: Thiếu tư pháp độc lập, truyền thông độc lập, tham nhũng trầm trọng…

Liên Âu phải đối mặt với những thách thức nào trong việc kết nạp các thành viên mới ? Những thành tích của quá khứ, khiến Liên Âu trở nên mạnh hơn, nhờ việc kết nạp các thành viên mới, không hề dễ dàng được tiếp nối trong hiện tại. Không ít chính trị gia, chuyên gia châu Âu tỏ ra hoài nghi, thậm chí phản đối mạnh mẽ dự án kết nạp này. Trang mạng euronews có bài ‘‘Mở rộng Liên Âu từ đây đến 2030 : ảo ảnh hay thực tế ?’’, nhấn mạnh đến việc có những nước như Montenegro (Tây bán đảo Balkan), được chấp nhận quy chế ứng viên chính thức từ năm 2010, mà cho đến giờ tình hình không có nhiều tiến triển. Chưa kể đến trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, mà đơn gia nhập chính thức đã có từ năm 1999, và quy chế ứng viên chính thức đã được công nhận ít năm sau đó.

Các quốc gia vùng Tây Balkan là ‘‘một bài toán hắc búa’’ với Liên Âu. Hàng loạt thách thức khó giải đặt ra. Trước hết về mặt chính trị đối ngoại, có quốc gia như Serbia, với chính quyền nghiêng về lập trường thân điện Kremlin, có nghĩa là đi ngược lại với chiến lược của Liên Âu. Nhiều quốc gia chưa có được tư pháp độc lập, truyền thông độc lập, nạn tham nhũng trầm trọng… Viễn cảnh gây lo ngại là ngay trong lòng của Liên Âu tương lai sẽ có các thành viên như nước Hungary của thủ tướng Orban hiện nay, nơi ngự trị của một chế độ chính trị ‘‘dân chủ nhưng phi tự do’’ (démocratie illibérale). Thách thức khác là về mặt kinh tế, các quốc gia Tây Balkan nhìn chung đang ‘‘nghèo hơn cả các nước nghèo nhất trong Liên Âu, như Bulgari’’.

Liên Âu, một thực thể chính trị lỏng lẻo

Bài ‘‘Mở rộng Liên Âu : Phải chăng là hành động đâm lao phải theo lao của khối 27 nước ?’’, hôm 20/03/2024 của tuần báo Le Point, dẫn lại các nhận định của cựu bộ trưởng Quân Lực Pháp Sylvie Goulard, cho thấy một loạt những nhược điểm ghê gớm hiện tại của khối 27 nước, ngay cả khi chưa tính đến việc kết nạp thêm thành viên. Theo chính trị gia Pháp, các lãnh đạo châu Âu đã ‘‘tránh né nhiều vấn đề hệ trọng’’ liên quan đến việc mở rộng Liên Âu, ‘‘đánh giá thấp các nhược điểm của Liên Âu trong thế đối đầu với nước Nga hung bạo’’.

Cụ thể là cộng đồng các quốc gia châu Âu sẽ phải hướng đến một thực thể chính trị Liên bang, Liên bang các nước châu Âu, với một ‘‘quyền lực tập trung’’, hay sẽ chỉ là một cộng đồng các quốc gia lỏng lẻo ? Làm thế nào để cho ‘‘một tập hợp quốc gia được lập ra và hoạt động trong hòa bình trở thành một tổ chức của thời chiến’’ ? Nhược điểm lớn của Liên Âu, theo chính trị Pháp, nổi bật qua định chế Hội Đồng Châu Âu, mà tác giả gọi là ‘‘chiếc hộp đen’’. Định chế tập hợp các lãnh đạo khối 27 nước, có vai trò quan trọng bậc nhất với Liên Âu, lại đang chỉ là một định chế ‘‘hoạt động theo thời điểm’’, và ‘‘hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm trước ai’’. Nghị Viện châu Âu, do cử tri châu Âu bầu ra, không có thẩm quyền nào với Hội Đồng Châu Âu.

Chủ trương mới: Hội nhập ‘‘từng bước một’’ thay cho ‘‘hoặc trong, hoặc ngoài’’

Trong bối cảnh hiện nay, Liên Âu có các định hướng như thế nào nhằm hóa giải các thách thức của việc kết nạp các thành viên mới ? Vấn đề mở rộng Liên Âu tạm lắng trong bối cảnh Liên Hiệp đang chuẩn bị bầu Nghị Viện mới đầu tháng 6 tới. Tuy nhiên, kể từ hai năm nay, về việc mở rộng Liên Hiệp, trong nội bộ Liên Âu đã có nhiều động thái hướng đến điều chỉnh chính sách để phù hợp với tình hình mới. Xu thế điều chỉnh chính sách của Liên Âu được xác lập rõ đặc biệt qua một báo cáo của Ủy Ban Châu Âu, công bố giữa tháng 3/2024. Điểm nổi bật trong các khuyến nghị của Ủy Ban Châu Âu là chính sách hội nhập ‘‘từng bước một’’ các thành viên mới.

Theo trang tin Pháp ngữ Toute l’Europe, chuyên về các vấn đề châu Âu, thì chính sách hội nhập ‘‘từng bước một’’ các thành viên mới với tính chất uyển chuyển cao này là khác hẳn với chính sách trước đây, hoặc ‘‘trở thành thành viên hoặc không’’. Báo cáo của Bruxelles nhấn mạnh : mục tiêu của chính sách này là cho các nước muốn gia nhập khối lần lượt hưởng một số lợi ích của các quốc gia thành viên chính thức (cụ thể như được tham gia vào ‘‘thị trường chung’’), trước khi gia nhập khối, và điều này là tùy thuộc vào việc các ứng viên này thực thi đến đâu các nghĩa vụ của một thành viên Liên Âu. Chính sách hội nhập từng bước một nói trên được coi là một biện pháp quan trọng giúp cho việc các ứng cử viên chuẩn bị tốt, trước khi chính thức được kết nạp.

Cải tổ quy tắc đồng thuận 100% để EU linh hoạt hơn

Một điểm đặc biệt quan trọng khác để khiến cho khối 27 nước mở rộng có thể vận hành được trong tương lai là khối phải cải tổ quy chế đưa ra quyết định. Nhiều quyết định đòi hỏi phải có sự đồng thuận của tất cả các thành viên Liên Âu sẽ phải được thông qua chỉ với một ‘‘đa số được coi là đủ mức’’. Điều cho phép khối có thể linh hoạt hơn trong việc ra quyết định, không để việc chỉ một quốc gia thành viên có thể cản trở nỗ lực chung của khối.

Trong số các nghĩa vụ của một thành viên Liên Âu, báo cáo của Ủy Ban Châu Âu đặc biệt nhấn mạnh đến ‘‘các định chế dân chủ, bảo vệ các quyền tự do cơ bản và nhà nước pháp quyền’’. Đây được coi là ‘‘các điều kiện tiên quyết’’ để các quốc gia được kết nạp vào Liên Hiệp.

Khẳng định ‘‘nhà nước pháp quyền’’: Cuộc quyết đấu tại các nước ứng cử vào EU

Thách thức là vô số, nhưng bảo vệ các định chế dân chủ, nhà nước pháp quyền được coi là yếu tố quan trọng bậc nhất với Liên Âu. Báo mạng Pháp L’Opinion chú ý đến một sự kiện ‘‘mang đầy ý nghĩa biểu tượng’’. Đúng vào ngày Liên Âu kỷ niệm 20 năm kết nạp 10 thành viên mới, ngày 30/04, an ninh Gruzia, do chính phủ thân Nga điều hành, đã bắt giữ 63 người biểu tình chống dự luật về ‘‘ảnh hưởng nước ngoài’’, bị xem là bộ luật phản dân chủ, theo ‘‘mô hình Nga’’.

Bảo vệ các định chế dân chủ, quyền con người, nhà nước pháp quyền là mặt trận số một tại nhiều quốc gia muốn gia nhập Liên Âu, nơi đối đầu giữa người dân ủng hộ Liên Âu và các thế lực muốn đi theo mô hình Nga. Thành công hay thất bại của việc xây dựng nhà nước pháp quyền tại các quốc gia ứng cử vào Liên Âu đang được xem như chỉ báo rõ ràng bậc nhất về xu thế mở rộng Liên Âu có thành công hay không.

Bài Liên Quan

Leave a Comment