PHÂN TÍCH: Điều gì xảy ra tiếp theo sau khi Tổng thống Iran qua đời

PHÂN TÍCH: Điều gì xảy ra tiếp theo sau khi Tổng thống Iran qua đời

Nhà lãnh đạo Iran Ebrahim Raisi trình bày trước Quốc hội ở Tehran, Iran, vào ngày 16/11/2021. Ông Raisi qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng hôm 19/05/2024. (Ảnh: Vahid Salemi/AP Photo)

Shahrzad Ghanei

Thứ năm, 23/5/2024

Ngay sau khi tin tức hôm 19/05 cho biết chiếc trực thăng chở tổng thống Iran và các quan chức khác bị rơi ở khu vực tây bắc của Iran, Lãnh đạo tối cao Ali Khamenei tuyên bố rằng các hoạt động hành chính sẽ không bị gián đoạn.

Đối với các nhà quan sát Iran, thì điều này là hiển nhiên, vì dù có cơ cấu chính trị rất phức tạp và nhiều cơ quan chính phủ chồng chéo, nhưng mọi quyền lực cuối cùng đều thuộc về nhà lãnh đạo tối cao này, và ngày càng thuộc về Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, lực lượng có quyền kiểm soát sâu rộng trên mọi khía cạnh và đối với các tổ chức của đất nước này, trong đó có lĩnh vực kinh tế.

Ngoài ra, kể từ cuộc cách mạng năm 1979, Iran không còn lạ gì với việc các quan chức cấp cao, trong đó có một tổng thống, qua đời khi đang tại nhiệm.

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Hôm 20/05, ông Ebrahim Raisi được xác nhận là tử vong trong vụ tai nạn trực thăng, cùng những người đồng hành với ông trong đó có Ngoại trưởng Hossein Amir-Abdollahian, sau khi địa điểm rơi trực thăng được tìm thấy trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở phía tây bắc Iran.

Ngay sau khi ông Raisi qua đời, Phó Tổng thống Mohammad Mokhber đã đảm nhận vai trò tổng thống lâm thời, theo hiến pháp của nước Cộng hòa Hồi giáo này và với sự chấp thuận của nhà lãnh đạo tối cao.

Trong khi đó, một hội đồng bao gồm chủ tịch Quốc hội Iran, người đứng đầu cơ quan tư pháp, và phó tổng thống đã được thành lập để tạo thuận tiện cho cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.

Tổng thống lâm thời Iran Mohammad Mokhber trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Atta Kenare/AFP)
Tổng thống lâm thời Iran Mohammad Mokhber trong một bức ảnh tư liệu. (Ảnh: Atta Kenare/AFP)

Chế độ này cho biết họ sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 28/06 để chọn người thay thế ông Raisi.

Theo hệ thống của nước Cộng hòa Hồi giáo này, các ứng cử viên phải được Hội đồng Tối cao xem xét kỹ lưỡng, thực tế có nghĩa là chỉ những người được chế độ này chấp thuận mới có cơ hội trở thành tổng thống.

Các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp đã chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp hơn rõ rệt trong những năm gần đây khi mà các cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại chế độ này ngày càng gia tăng.

Các ứng cử viên tổng thống tiềm năng

Giữa những đồn đoán về việc ai có thể trở thành tổng thống tiếp theo, có một cái tên được nhắc đến là Phó Tổng thống Mokhber, một người theo trào lưu chính thống, từng đảm nhiệm chức vụ phó thống đốc tỉnh Khuzestan và các vị trí cấp cao tại một số cơ quan khác trong chế độ này.

Một khả năng khác là ông Mohammad Bagher Ghalibaf, một người theo trào lưu chính thống và là chủ tịch đương nhiệm của Quốc hội Iran, người đã tranh cử với tư cách là ứng cử viên trong các cuộc bầu cử tổng thống trước đó nhưng không thành công.

Trong số những ứng cử viên được gọi là thuộc phe cải cách, một số người suy đoán rằng cựu Tổng thống Hassan Rouhani và cựu Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif có thể sẽ tham gia tranh cử.

Ban lãnh đạo kế nhiệm

Những suy đoán cũng đang xoay quanh tương lai của ban lãnh đạo chế độ này sau khi ông Raisi qua đời, bởi vì tên của ông nằm trong số những người được coi là có thể thay thế cho nhà lãnh đạo tối cao đương nhiệm Khamenei, hiện đã 85 tuổi.

Nhà lãnh đạo tối cao của chế độ này được lựa chọn bởi Hội đồng Chuyên gia, các thành viên của hội đồng này được lựa chọn bởi Hội đồng Tối cao, mà đến lượt mình các thành viên của hội đồng này lại được lựa chọn trực tiếp hoặc gián tiếp bởi chính nhà lãnh đạo tối cao hiện tại.

Nhà lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói trong một cuộc gặp gỡ với các quân nhân Iran ở Tehran, Iran, vào ngày 07/02/2021. (Ảnh: Văn phòng Lãnh đạo Tối cao Iran qua AP)
Nhà lãnh đạo Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei nói trong một cuộc gặp gỡ với các quân nhân Iran ở Tehran, Iran, vào ngày 07/02/2021. (Ảnh: Văn phòng Lãnh đạo Tối cao Iran qua AP)

Kể từ cuộc cách mạng năm 1979, chỉ có hai nhà lãnh đạo ở Iran: nhà lãnh đạo sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo Ayatollah Ruhollah Khomeini, người đã qua đời năm 1989, và ông Khamenei, người thay thế ông Khomeini.

Một số người nói rằng khi ông Raisi ra đi, người con trai là giáo sĩ của ông Khamenei, ông Mojtaba Khamenei, sẽ được củng cố [vị thế] để làm nhà lãnh đạo kế nhiệm.

“Điểm mấu chốt thực sự ở đây không phải là ai sẽ kế nhiệm ông ấy (đó là Phó tổng thống thứ nhất Mohammad Mokhber, nhưng chỉ với tư cách là một người đảm nhận chức vụ trong 50 ngày trước cuộc bầu cử). Thực tế là Nhà lãnh đạo Tối cao tiếp theo rất có thể là con trai của ông Ali Khamenei, ông Mojtaba Khamenei,” ông Gabriel Noronha, cựu cố vấn về Iran của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, viết trên X, trước đây gọi là Twitter.

Những trường hợp tử vong của tổng thống

Đã có hai tổng thống Iran khác đã không hoàn thành nhiệm kỳ đầu tiên của mình; một trong số họ đã bị ám sát.

Tổng thống đầu tiên của Iran sau cuộc cách mạng, ông Abolhassan Banisadr, người từng là một trong những cố vấn thân cận của ông Ayatollah Khomeini trước cuộc cách mạng, đã bị đàn hặc và lật đổ quyền lực chưa đầy một năm sau khi bắt đầu nhiệm kỳ của ông.

Ông Mohammad-Ali Rajai, người thay thế ông Banisadr, đã bị các lực lượng đối lập ám sát vào năm 1981, chưa đầy một tháng sau khi ông nhậm chức tổng thống. Vụ ám sát ông là một trong nhiều vụ ám sát trong những năm hỗn loạn sau cuộc cách mạng, trong đó có cả vụ sát hại ông Mohammad Beheshti, chánh án tòa án tối cao của chế độ này.

Cho đến nay, chưa có lời giải thích chính thức nào được đưa ra về nguyên nhân gây ra tai nạn của chiếc trực thăng chở ông Raisi.

Ông Mohammad Bagheri, Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang nước Cộng hòa Hồi giáo Iran, cho biết ông đã giao nhiệm vụ cho một ủy ban cao cấp để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn.

Ông Mahdi Saremifar, một nhà báo điều tra công nghệ tại Canada, cho rằng khó có khả năng là một tai nạn đã làm rơi chiếc trực thăng Bell 212, một mẫu trực thăng được cả Hoa Kỳ và Canada sử dụng. Ông nói rằng việc truy tìm địa điểm chiếc trực thăng rơi đã tiêu tốn quá nhiều thời gian cho dù là với tất cả các hệ thống tín hiệu tiên tiến hiện có càng làm tăng thêm sự bí ẩn.

“Vấn đề về một lỗi kỹ thuật trên những chiếc trực thăng này là rất khó xảy ra, và câu hỏi đặt ra là làm thế nào mà tất cả các hệ thống theo dõi của chiếc trực thăng này, bao gồm cả GPS và hệ thống tiếp sóng, lại đồng thời bị lỗi. Rất khó có khả năng vụ tai nạn nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống,” ông nói với The Epoch Times ấn bản tiếng Ba Tư.

“Có thể một phần của chiếc trực thăng đã gặp trục trặc kỹ thuật, nhưng việc tất cả các hệ thống bên trong trực thăng đều hỏng là điều bất thường, đặc biệt là khi một trong những quan chức quan trọng nhất của nước Cộng hòa Hồi giáo này có mặt trên chiếc trực thăng.”

Các thành viên của đội cứu hộ làm việc tại hiện trường chiếc trực thăng bị rơi, vụ việc khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thiệt mạng, ở Varzaghan, tây bắc Iran, hôm 20/05/2024. (Ảnh: Azin Haghighi/AFP qua Getty Images)
Các thành viên của đội cứu hộ làm việc tại hiện trường chiếc trực thăng bị rơi, vụ việc khiến Tổng thống Iran Ebrahim Raisi thiệt mạng, ở Varzaghan, tây bắc Iran, hôm 20/05/2024. (Ảnh: Azin Haghighi/AFP qua Getty Images)

Tham khảo các đánh giá của tình báo Hoa Kỳ, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Hoa Kỳ Chuck Schumer tuyên bố rằng hiện không có bằng chứng nào về hành vi phá hoại, nhưng các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.

Đã có những vụ tai nạn khác xảy ra với những chiếc trực thăng chở các quan chức Iran, trong đó có một vụ xảy ra hồi năm 2013, khi trực thăng của Tổng thống đương thời Mahmoud Ahmadinejad phải hạ cánh khẩn cấp ở phía đông bắc đất nước này. Trong một vụ việc khác hồi năm ngoái, một chiếc trực thăng chở bộ trưởng thể thao đã bị rơi ở miền nam Iran, dẫn đến một hành khách là cố vấn trong bộ này tử nạn. Bản thân bộ trưởng, ông Hamid Sajjadi, và những người khác đã sống sót sau vụ tai nạn.

Ông Iraj Mesdaghi, một nhà hoạt động chính trị người Thụy Điển gốc Iran, nói với The Epoch Times ấn bản tiếng Ba Tư rằng ông tin vụ tai nạn khiến ông Raisi thiệt mạng là một tai nạn, là kết quả của “sự kém cỏi” của chế độ này.

“Không dễ để chế độ này chọn ra được một ứng cử viên tổng thống trong vòng 40 ngày. Không có ứng cử viên đáng gờm nào vừa có thể thúc đẩy những gì ông Khamenei mong muốn vừa được các phe phái trong chế độ này tin tưởng,” ông Mesdaghi cho biết.

“Cuộc tranh đấu nội bộ bên trong chế độ này sẽ càng trở nên dữ dội hơn [sau khi ông Raisi qua đời].”

Cẩm An biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Bài Liên Quan

Leave a Comment