TỪ CÔNG PHỤNG… CUỘC ĐỜI, SỰ NGHIỆP VÀ ÂM NHẠC

Chuly sưu tầm

TỪ CÔNG PHỤNG… CUỘC ĐỜI, SỰ NGHIỆP VÀ ÂM NHẠC

Từ Công Phụng sinh ngày 27 tháng 7 năm 1942 tại Văn Lâm (Phan Rang, Ninh Thuận), là người dân tộc Chăm (gốc Cham-Islam), với những tố chất âm nhạc phát triển trong tâm hồn từ rất sớm. Cậu bé họ Từ đã từng ngây ngất khi nghe người anh cả đệm đàn guitar hát Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong) hoặc Trương Chi (Văn Cao)… Mày mò học đàn với người anh rồi Từ Công Phụng trở thành cây văn nghệ nòng cốt của các trường trung học Duy Tân, Phan Rang, Đà Lạt, với giọng hát rất truyền cảm. Không qua một trường lớp chính quy nào, nhưng với năng khiếu bẩm sinh và tâm hồn nhạy cảm, năm học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) anh viết tác phẩm đầu tay Bây giờ tháng mấy lúc mới 18 tuổi (1960). Tuy nhiên do bản tính nhút nhát và không mấy tự tin vào tác phẩm đầu tay nên chỉ khi Từ Công Phụng lên sống ở Đà Lạt, hợp tác với Lê Uyên & Phương trong ban nhạc Ngàn Thông thì ca khúc Bây giờ tháng mấy mới được phát trên Đài phát thanh Đà Lạt và lập tức nổi tiếng… Từ đó, vừa tự học vừa sáng tác, Từ Công Phụng cho ra đời những ca khúc trữ tình mà sang trọng, chen lẫn chút chán chường, chua xót như: Mùa xuân trên đỉnh bình yên, Tuổi xa người, Mắt lệ cho người…

Từ Công Thơm thiếu tướng VNCH với ông là con chú bác. Từ Công Phụng nổi tiếng rất sớm. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho tân nhạc Việt Nam trong thập niên 1960, 1970 cùng với Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn và Lê Uyên Phương…[2]; là tác giả của các ca khúc trữ tình được nhiều người biết đến như “Bây giờ tháng mấy”, “Mắt lệ cho người”, “Giọt lệ cho ngàn sau”, “Trên ngọn tình sầu”, “Mùa xuân trên đỉnh bình yên”,… Ông cũng hát một số trong những bài hát của chính mình.

Từ Công Phụng tốt nghiệp cử nhân luật,[3] từng là biên tập viên đài phát thanh VOF.[4] Trong thời gian học Đại học Văn Khoa, Ông gặp Từ Dung là con gái út của nhà văn Nguyễn Tường Long – Hoàng Đạo, yêu và cưới Cô! Ông cưới Cô theo đúng nghĩa là có sính lễ và rước rể về nhà vợ theo truyền thống mẫu hệ của người Chàm. Hai vợ chồng bắt đầu lên sân khấu hát cặp với nhau từ năm 1967,thường sinh hoạt ở Quán Văn trong khuôn viên Văn Khoa từ 1968, cùng thời với Khánh Ly và Trịnh Công Sơn& đã thu một Cuốn băng (Tơ Vàng 3) vào năm 1971,Sau khi Quán Văn đóng cửa kéo về Quán Gió của Nam Lộc trên đường Võ Tánh.

Ông tham gia sáng tác nhạc từ năm 1960.[3] Sau 30 tháng 4 năm 1975, các sáng tác của ông bị cấm lưu hành tại Việt Nam cho đến năm 2003.

Ông rời Việt Nam từ tháng 10 năm 1980[3] và hiện đang định cư tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ. Năm 1998, ông có trở về thăm quê hương Ninh Thuận nhưng không tham gia hoạt động âm nhạc. Tháng 5 năm 2008, ông lại trở về Việt Nam và lần này có biểu diễn trong chương trình “45 năm tình ca Từ Công Phụng” tại một phòng trà có tiếng ở Sài Gòn.[5]

Năm 16 tuổi, ông tự học về âm nhạc qua cuốn sách Harmonie et Orchestration của Robert de Kers, bản tiếng Pháp, xuất bản tại Paris, năm 1944.[1] Năm 1960, ông sáng tác nhạc phẩm đầu tay Bây giờ tháng mấy khi mới 18 tuổi, tác phẩm nhanh chóng được giới sinh viên Văn Khoa yêu mến.[3][6] Thời gian ở Đà Lạt, Từ Công Phụng cùng một số bạn học mới trong đó có nhạc sĩ Lê Uyên Phương, thành lập ban nhạc Ngàn Thông chơi nhạc hàng tuần trên đài phát thanh Đà Lạt.[1] Ca khúc Bây giờ tháng mấy của ông cũng được trình bày lần đầu tiên qua làn sóng phát thanh này.[1] Sau đó, ông lần lượt sáng tác những ca khúc như Mùa thu mây ngàn, Bài cho em…[1]

Trung tâm Thúy Nga từng thực hiện Paris By Night 64: Đêm văn nghệ thính phòng (2002) nhằm vinh danh ông cùng với nhạc sĩ Tuấn Khanh và Vũ Thành An.

Trong sinh hoạt âm nhạc ở miền Nam trước năm 1975, có 3 cặp “uyên ương” thường xuất hiện trên sân khấu. Đó là cặp Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, cặp Lê Uyên & Phương và cặp Từ Dung – Từ Công Phụng. Hai cặp đầu rất “nổi đình nổi đám”, trái lại cặp sau thì rất… bí ẩn !

Thực ra thì với khán giả lứa tuổi trung niên, nhiều người vẫn còn nhớ đến cặp song ca Từ Dung – Từ Công Phụng bởi cái “e” nhạc của họ. Không dữ dội, nồng nàn như Lê Uyên Phương hoặc triết lý cao siêu như nhạc Trịnh, nhạc của Từ Công Phụng đầy chất trữ tình, êm ái với ca từ trau chuốt, sang trọng…

Từ Dung là con gái của nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, là cháu ruột của hai nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân). Cô sinh năm 1945, là con út trong số 4 người con (3 gái, 1 trai) của nhà văn. Từ Dung mồ côi cha năm 3 tuổi (Hoàng Đạo lên cơn đau tim và qua đời ngày 22.7.1948 trên chuyến xe lửa từ Hồng Kông về Quảng Châu, Trung Quốc). Không biết bà Hoàng Đạo đưa các con vào Sài Gòn lúc nào nhưng người ta cũng đã ghi nhận trong đám tang nhà văn Nhất Linh vào ngày 7.7.1963, cô đội mũ tang đi trong đoàn người đưa tiễn. Năm 1965, Từ Dung tốt nghiệp tú tài toàn phần và đến năm 1969 lấy bằng cử nhân văn chương. Không chỉ học hành đến nơi đến chốn, Từ Dung còn là một giai nhân của Sài Gòn lúc bấy giờ, cô từng đoạt danh hiệu á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp tại miền Nam với vẻ đẹp lộng lẫy và nổi bật làn da trắng…

Từ Dung rất say mê ca hát và được trời ban cho một chất giọng khá hay. Cô theo học thanh nhạc với ca sĩ Châu Hà (vợ của nhạc sĩ Văn Phụng). Chính môi trường này đã đưa đẩy Từ Dung gặp gỡ Từ Công Phụng. Tâm hôn Từ Dung rất nghệ sĩ. Cách nói chuyện nhẹ nhàng, tao nhã của Từ Công Phụng đã chinh phục trái tim người đẹp.

Lần đầu họ xuất hiện bên nhau là ở quán Văn trong khuôn viên Đại học Văn khoa với ca khúc Bây giờ tháng mấy vào năm 1967. Họ thường sinh hoạt ở quán Văn cùng thời với cặp Khánh Ly – Trịnh Công Sơn. Sau khi quán Văn đóng cửa thì họ chuyển về quán Gió của Nam Lộc trên đường Võ Tánh.

Năm 1971, Từ Dung bắt đầu xuất hiện trên ti vi và có mặt trong cuộn băng Tơ Vàng 3. Cô song ca với Từ Công Phụng hai bài: Vùng trời kỷ niệm, Mùa thu mây ngàn và đơn ca ba bài: Đêm không cùng, Lời cuối và Đêm độc thoại. Riêng ca khúc Trên ngọn tình sầu được phổ từ bài thơ nổi tiếng của Du Tử Lê Khúc thêm cho Huyền Châu. Đó không phải là bài hát Từ Công Phụng sáng tác riêng cho Từ Dung nhưng đã từng được đôi uyên ương này song ca. Ca từ (lời thơ) lại như viết sẵn, như tiên tri về cuộc tình của hai người: “Hạnh phúc tôi, hạnh phúc tôi từ những ngày con nước về. Ngoài trời mưa mau, ngoài trời mưa mau. Tay vuốt mặt không cùng. Bầy sẻ cũ hom hem. Chiều mái xám rêu xanh. Trời êm cao chân nhỏ. Cũng không về trên dòng sông tội lỗi… Tôi nghe hắt hiu từ mắt em ngắt tạnh. Môi thâm khô từ thuở định hôn người. Ngày tháng hạ khi không mà trở rét. Giọt nắng vàng lung linh màu lạnh ngắt. Sao khi không người ngoảnh mặt kiêu sa…”.

Sau năm 1975, họ hùn vốn với một gia đình khác mở quán cà phê trên đường Trần Quang Khải (quận 1, Saigon) lấy tên là “Café Từ Dung”. Quán có cây đàn piano trắng, lâu lâu lại có violin, tức là chơi nhạc sống. Nhạc sĩ, ca sĩ hoặc ai lên hát thì khỏi phải trả tiền cà phê và thường thì hát “nhạc chui” tức là nhạc trước 1975. Trịnh Công Sơn, Lệ Thu và nhiều nghệ sĩ khác từng lui tới quán này…

Sống với nhau có một con gái thì Từ Dung – Từ Công Phụng chia tay, một cuộc chia tay lặng lẽ, chẳng ai biết được nguyên nhân…

Năm 1980, Từ Công Phụng sang Mỹ và lập gia đình với một người phụ nữ tên là Kim Ái. Thời gian này, Từ Dung còn ở lại Việt Nam, bà mướn một căn phòng trong cư xá Ngân hàng (quận 3) và có biểu hiện trầm cảm. Bà ít khi mở miệng nói với ai một lời nào. Đêm đêm, bà thường ngồi lặng lẽ trong bóng tối trước hiên thềm như một pho tượng. Một thời gian sau, Từ Dung qua cơn trầm cảm, cũng sang định cư tại Hawaii (Mỹ) và đã lập gia đình với một người đàn ông Mỹ.

Nhạc sĩ Từ Công Phụng hai lần vượt qua căn bệnh ung thư nên trân trọng từng phút giây được thở cùng âm nhạc.

Nhạc sĩ “Bây giờ tháng mấy” vừa trở về quê nhà thực hiện đêm nhạc “50 năm tình ca Từ Công Phụng” vào tối 19/1, tại Saigon/

Có người hỏi: “Lần thứ hai về nước, cảm giác của ông khác như thế nào”?

Ông cười nhẹ, nói với giọng trầm trầm: “Lần này sự xúc động của tôi cũng giống như lần trước. Tôi vẫn bồi hồi khi nhìn lại thành phố cũ, những con đường xưa đầy dấu chân kỷ niệm của từng giai đoạn trong cuộc sống. Tôi về quê nhà không ngoài mục đích gặp gỡ lại khán giả yêu thích những bản tình ca mà hàng mấy thập niên qua họ chưa được thấy và nghe lại chính tác giả trình bày. Đồng thời tôi cũng muốn ngỏ đôi lời cảm tạ đến khán thính giả đã quan tâm, nhất là các bạn trẻ yêu nhạc Từ Công Phụng, đã gửi hàng trăm bức điện thư chúc lành trong khi tôi nằm trên giường bệnh”.

Từ công Phụng có nhiều ước mơ âm nhạc, nhưng sau cơn bạo bệnh, cơ thể không cho phép bản thân tàn phá nó vì những đêm phải thức thật khuya để viết nhạc. Tuy nhiên, Từ công Phụng không thể bỏ rơi khán thính giả khắp nơi yêu thích nhạc của chính mình. Trong năm 2013, Từ dông Phụng cho ấn hành những bản tình ca mới trong tuyển tập “Cánh chim vùng hoang dại” và một album mới cùng tên.

Được hỏi “Hiện tại sức khỏe của ông thế nào”?

Từ công Phụng buồn bà trả lời: “Năm 2010, Tôi bị ung thư gan rất nặng. Khi phát hiện thì đã ở giai đoạn cuối. Các bác sĩ nói với tôi chỉ còn sống được ba tháng nữa. Lúc đó là tháng 6/2010. Trước đó ba năm, tôi bị ung thư túi mật và bác sĩ đã cắt mật bỏ đi sau cuộc giải phẫu dài 6 tiếng đồng hồ. Trong vòng ba năm, tôi bị hai lần ung thư. Nhưng nhờ vào niềm tin, ý chí và tinh thần lạc quan bên cạnh thuốc men và hóa trị, cùng sự chăm sóc tận tình của nhà tôi mà tôi đã thoát được cơn bệnh trầm kha và trở về với đời thường”.

Hiên tại, Cuộc sống gia đình của nhạc sĩ họ Từ tạm ổn định. Các con ông đã khôn lớn, tách rời gia đình để xây dựng tổ ấm mới. Vợ chồng nhạc sĩ đã hưu trí và sống một đời sống rất giản dị và lành mạnh trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời. Hàng ngày, họ tìm cho mình những thú tiêu khiển lành mạnh: đọc sách, nghe nhạc, sáng tác, tập thể dục và cùng nhau đi bộ.

Nguồn hứng khởi sáng tác của Từ công Phụng chắc cũng không khác gì với tất cả anh chị em văn nghệ sĩ khác. Nhạc sĩ họ từ có trái tim mẫn cảm dễ gây xúc động cho tâm hồn. Vốn liếng có từ kinh nghiệm bản thân, từ chuyện tình đẹp của chính ông hay của tha nhân, từ những nỗi lòng khi nghĩ ngợi về nỗi khổ đau của chính mình hay của những người chung quanh. Nói tóm lại mỗi nốt nhạc là một chọn lựa, mỗi ca từ được gắn vào nốt nhạc cũng là một sự lựa chọn hợp lý cho niềm suy tư về câu chuyện tình hay về một hệ lụy sau chuyện tình ấy. Ngoài ngẫu hứng, trong sáng tác vẫn phải cần đến sự suy nghĩ sâu sắc để tạo cho tác phẩm của mình một giá trị lâu dài, phù hợp với tâm tình của giới thưởng ngoạn.

Nhạc sĩ chia sẻ: “Niềm vui không thể tồn tại lâu dài với thời gian. Thời gian thì cứ trôi qua và niềm vui lùi dần vào qua khứ rồi trở thành kỷ niệm. Niềm vui càng rộn ràng bao nhiêu thì chúng ta càng cảm thấy cô đơn bấy nhiêu khi còn lại một mình. Niềm hiu hắt ấy đôi khi chính là nguồn cảm hứng cho người sáng tác. Có thể tôi là một trong những người nằm trong niềm thương nhớ ấy”.

Được hỏi: “Từ những nỗi buồn xa xưa của “Bây giờ tháng mấy” mấy chục năm về trước cho đến sang tác sau này “Mưa trên ngày tháng đó”, nỗi buồn của ông trong âm nhạc xưa và nay khác nhau thế nào?

Nhạc sĩ nhìn xa xăm, rồi trả lời giọng trầm ấm: “Từ nỗi buồn bâng khuâng xa vắng của một chàng thư sinh chớm biết yêu ở đầu thập niên 60, cho đến nỗi buồn day dứt sâu xa của kẻ tình nhân nghĩ đến người yêu xa vắng và mối tình không trọn vẹn dĩ nhiên là có sự khác biệt, phải không? Suy nghĩ của một chàng thư sinh mới lớn và người đàn ông già dặn theo thời gian khác nhau rất nhiều. Theo thời gian thì nỗi buồn trong âm nhạc càng đậm nét và nghĩ sâu sắc hơn về tình yêu, về những hệ lụy đớn đau trong cuộc đời.

Theo nhạc sĩ họ nhận xét về rất nhiều ca sĩ thực hiện và hát tình ca của ông, nhưng tiếng hát thấu hiểu và chuyên chở nhạc tôi trọn vẹn thì có thể đếm trên đầu ngón tay. Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Khánh Hà, Ý Lan, Họ là những ca sĩ đã hiểu và chuyển âm nhạc của tôi đến khán thính giả một cách tuyệt vời. Lý do là họ có chất giọng tốt, truyền cảm, có kỹ thuật chuyển đạt âm vực trọn vẹn. Vì nhạc của Từ công Phụng, có thể là bẩm sinh, tôi thích mở ra những âm vực rộng, khó có thể diễn tả nếu không có kỹ thuật.

Một câu hỏi tế nhị: “Không ít ca sĩ có tên tuổi cố tình biến tấu nhạc và đôi khi hát sai lời ca khúc, ông nghĩ gì về điều này”?

Nhạc sĩ cười nhẹ trả lời: “Không gì khó chịu cho một người viết ca khúc khi một ca sĩ trình bày sai lời. Chỉ cần một chữ sai có thể làm giảm đi ý nghĩa của bài hát hoặc làm giảm đi rất nhiều giá trị của ca từ. Tôi xin đưa ra một thí dụ về bài hát Mắt lệ cho người, ở điệp khúc có câu: “Nỗi muộn phiền ngày tàn hơi thở, em thấy không cõi đời vô vọng” có một ca sĩ đã hát thành “Nỗi muộn phiền ngày đêm trông ngóng…”. Cũng trong bài này câu cuối cùng là: “Vàng câu tình cũ, gửi vời theo đời”, có ca sĩ lại hát: “Vài (hay ngàn) câu tình cũ gửi lại cho đời” thì ý nghĩa khác đi. “Vàng” và “vài” khác nhau ở chỗ: vàng là ố, theo thời gian màu trắng sẽ ố đi, nghĩa là tình đã cũ nhưng muốn ghi lại bằng ca khúc để lại cho người đời. Một ca sĩ hát sai thì hàng loạt ca sĩ về sau cứ nhai lại những ca từ sai ấy, lâu rồi người nghe tưởng thế là đúng không còn ý nghĩa sâu sắc của lời ca. Từ 5 thập niên qua tôi đã cho ấn hành 5 tập nhạc với lời ca rõ ràng, nên khi chọn nhạc tôi để hát, xin hát cho đúng lời. Trên đây chỉ là một ví dụ, còn nhiều cái sai nữa của nhiều bài hát mà tôi chưa tiện nêu ra.

Nhạc sĩ Từ công Phụng có thể sẽ có một ngày từ giả tất cả, kể cả âm nhạc. Nhưng với ông, âm nhạc là chất sống, là máu tim, ngày nào còn hơi thở, ngày đó còn viết nhạc, con yêu nhạc như một người tình đầu đời.

Vâng, nhạc sĩ Từ Công Phụng là thế đó!!

PNL.

Bài Liên Quan

Leave a Comment