Cái Học Nhà Nho Thuở Xưa

Chuly sưu tầm

Cái Học Nhà Nho Thuở Xưa. 
Written by Trần Vinh

Phải công nhận cái học nhà Nho đào tạo được một giai cấp trí thức biết trọng đạo lí, đạo làm người ‘nhơn giả, nhân dã’

VIỆC HỌC THỜI BẮC THUỘC

Từ ‘đại học’ và từ ‘tiểu học’ có từ thời nhà Hạ bên Tầu. Nhà Hạ lập nhà Đông tự làm đại học, nhà Tây tự làm tiểu học. Sang nhà Ân thì lập nhà Hữu học làm đại học, nhà Tả học làm tiểu học. Nhưng những trường này mới chỉ là chỗ học bắn, học văn nghệ và để nuôi người già.

Tới nhà Chu, đại học mới dùng làm nơi để con vua, con quan và những con em xuất sắc của thường dân tới học. Đại học dạy Lễ, Nhạc, Thi , Thư và tuyển học sinh hạn tuổi 15 tới 20. Chốn dân gian thì có nhà tiểu học, gọi là ‘Tự’ hay ‘Tường’, dạy lễ phép kính trên nhường dưới, cách ứng xử ở đời; lấy học sinh hạn tuổi từ 8 tới 14.

Năm 111 trước Tây lịch (-111), Hán Vũ đế sai Lộ Bác Đức đánh lấy nước Nam Việt, cải là Giao chỉ bộ và chia ra làm 9 quận. Nước ta bị Tầu đô hộ từ đấy.

Tầu đô hộ nước ta cả ngàn năm (-111tới 938), đương nhiên họ thi hành chính sách đồng hoá dân ta. Trong đó có việc du nhập Hán học vào nước ta. Mặc dầu vậy, cái học ấy vẫn bị hạn chế và kì thị. Những nhân tài xuất sắc muốn tiến thân cử nghiệp phải ‘du học’ bên Tầu, thi cử cũng ở bên Tầu (thi Mậu tài hoặc Hiếu liêm), nhưng không được làm quan bên Tầu, chỉ được làm quan bản xứ mà thôi. Chẳng hạn như Lí Tiến làm Thứ sử Giao chỉ cuối đời Đông Hán (184-189). Còn Lí Cầm đã phải ‘rủ mấy người bản xứ ra phục xuống sân mà kêu cầu, Hán đế mới cho một người Giao chỉ đỗ Mậu tài đi làm quan lệnh ở Hạ Dương và một người đỗ Hiếu liêm làm quan lệnh ở Lục Hợp. Về sau Lý Cầm làm đến quan Tư lệ Hiệu úy’. Hay như Trương Trọng cũng người Giao chỉ làm thái thú Kim Thành (1).

Đến đời nhà Đường bên Tầu, có Khương Thần Dực người Giao châu làm thứ sử Châu Ái (Thanh Hoá), ông này có 2 người cháu đậu tiến sĩ là Khương Công Phục và Khương Công Phụ đều làm quan thời nhà Đường vào năm 783 (2).

VIỆC HỌC THỜI ĐỘC LẬP

Chiến thắng quân Nam Hán lẫy lừng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng năm 938 đem lại độc lập chủ quyền cho nước ta, mở ra vận hội cho các triều đại Đinh, tiền Lê, Lý, Trần…sau này.

Quân Tầu về nước sau hơn một ngàn năm đô hộ nước ta, nhưng họ đã để lại ảnh hưởng văn hoá rất sâu xa và lâu dài. Trong đó phải kể tới Nho, Lão và Phật giáo, đặc biệc là Nho giáo cùng cách tổ chức đào tạo và tuyển chọn nhân tài theo lối cử nghiệp.

Thời Ngô, Đinh và tiền Lê ngắn ngủi, nền độc lập còn mởi mẻ, các chính quyền bận rộn củng cố quyền hành cho nên chưa có điều kiện thiết lập việc học.

Thời nhà Lí: Sau khi định đô tại Thăng Long, nước nhà yên bình, nhà Lí đưa ra kế hoạch đào tạo lớp nhân sĩ nho học và phỏng theo lối khoa cử thời Tùy, Đường bên Tầu.

Năm 1070, thiết lập một Văn miếu thờ Đức Khổng Tử và 72 tiên hiền.

Năm Ất Mão 1075, đời Lí Nhân Tông, cho mở khoa thi đẩu tiên ở nước ta, gọi là khoa thi Tam trường để chọn những người ‘minh kinh bác học’. Thí sinh đỗ thủ khoa kì thi đầu tiên ấy là Lê Văn Thịnh. Thủ khoa Lê Văn Thịnh trở thành thái sư, rồi lập công lớn trong mặt trận ngoại giao với nhà Tống bên Trung Hoa bảo vệ đất đai và chủ quyền lãnh thổ cho nước Đại Việt. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sau này Lê Văn Thịnh phạm tội mưu phản, nhưng được nhà vua xét công nghiệp và ban ân xá cho đi an trí (3).

Năm sau, 1076, vua cho lập Quốc tử giám , có thể coi đây là trường công lập đầu tiên ở nước ta.

Năm 1086, lập Viện hàn lâm, cũng là Viện Hàn lâm tiên khởi.

Triều nhà Lí còn mở được 5 khoa thi nữa vào các năm 1086, 1152, 1165, 1185, 1195.

Thời nhà Trần: Thi cử thời nhà Trần có canh tân chút ít. Năm 1232, vua Tần Thái Tông cho mở kì thi Thái học sinh và đặt ra Tam giáp: Đệ nhất, đệ nhị và đệ tam giáp.

Tới năm 1247 lại đặt thêm Tam khôi, tức là lấy 3 người đậu đầu trong hạng Đệ nhất giáp gọi là trạng nguyên (trùm đầu), bảng nhãn (mắt bảng) và thám hoa (thăm hoa), chưa có tên gọi là tiến sĩ. Mãi tới năm 1374, vua Trần Duệ Tông mới cho mở khoa thi tiến sĩ, lấy hơn 50 người, ban áo mão vinh quy. Từ đó học vị thái học sinh lần đầu tiên đổi thành học vị tiến sĩ ở nước ta.

Năm 1396, vua Trần Thuận Tông mở khoa thi Hương để lấy cử nhân. Muốn đỗ cử nhân, thí sinh phải trúng 4 trường: 
– Trường thứ nhất: thi ám tả
– Trường thứ hai: thi kinh nghĩa, thơ phú
– Trường thứ ba: thi chiếu, chế, biểu
– Trường thứ tư: thi văn sách

Thời nhà Hồ: Từ thời nhà Hồ, có thêm phần chữ nôm trong khoa thi tiến sĩ.

Riêng thời Hồ Qúy Li (1400) cải tổ thể lệ thi tứ trường: bãi bỏ thi ám tả; nhất trường làm bài kinh nghĩa, nhị trường làm bài thi phú, tam trường làm chiếu, chế, biểu, tứ trường làm bài văn sách. Năm trước thi Hương, năm sau thi Hội, sau đó vào thi một bài văn nữa để định cao thấp. Sang đời Hồ Hán Thương (1401-1407) đặt ra thêm một kì thi toán pháp và thí sinh đỗ kì thi Hội lại gọi là Thái học sinh.
Thời nhà Lê (hậu Lê): Nhà Lê đưa Nho học lên vị trí quan trọng đặc biệt. Vua Lê Thái Tổ (1428-1433) mở Quốc tử giám tuyển con cháu nhà quan và con em thường dân học giỏi vào học. Mở nhà học và cử thầy dậy tại các phủ, các lộ. Bắt các quan tứ phẩm trở xuống phải thi Minh kinh khoa quan văn thi kinh sử, quan võ thi vũ kinh (4).

Thể lệ thi Hương thời Lê gồm 4 trường. Thí sinh đậu cả 4 trường gọi là cử nhân. Đậu 3 trường gọi là Tú tài.

Đậu thi Hương, năm sau thi Hội lấy tiến sĩ xuất thân, rồi vào thi Đình do chính nhà vua ra đề thi.

Từ 1466, vua Lê Thánh Tông (1460-1497) đặt lệ xướng danh. Người đậu tiến sĩ được vua ban áo mão, đãi ăn yến và cho vinh quy bái tổ. Ngài còn mở nhà Thái học: Phía trước xây Văn miếu, phía sau là nhà Thái học có phòng ốc làm kí túc xá cho sinh viên. Có kho Bí thư chứa sách, như thư viện thời nay. Nhà Lê cũng đặt ra lệ ban cho vị tân khoa tiến sĩ hàm từ chánh tòng bát phẩm tới chánh tòng lục phẩm.

Thời Nam Bắc triều: Nhà Mạc (1527-1592) vẫn mở khoa thi ở Đông đô Thăng Long.

Trong Tây đô Thanh hoá, mãi năm 1580, vua Lê mới mở lại thi Hội nhưng phép thi còn sơ sài. Chúa Trịnh Tạc phải quy định lại phép thi Hội vào năm 1664, phép thi Hương vào năm 1678. Trường thi mở rất nhiều nơi, như ở Thanh Hoá, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Thái Nguyên, Hưng Hoá, Tuyên Quang, Lạng Sơn. Tuy nhiên thi cử thời này không còn nghiêm minh như thời Hồng Đức (Lê Thánh Tông) nữa, thí sinh nào nộp khoản tiền ‘minh kinh’ (Thời vua Dụ Tông) hay tiền ‘thông kinh’ (thời vua Hiển Tông) đều được dự thi. Đến nỗi phát sinh tệ nạn tranh nhau vào trường thi, thi cử gian lận, hối lộ quan trường. Thành ra một cái ‘chợ thi’.

Ở phương Nam, năm 1674, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) mở khoa thi Chính đồ và Hoa văn. Thi Chính đồ có 3 kì: kì đệ nhất thi tứ lục, kì đệ nhị thi thi thơ phú, kì đệ tam thi văn sách. Đậu hạng nhất gọi là giám sinh được bổ làm tri phủ, tri huyện; hạng nhì gọi là sinh đồ, bổ làm huấn đạo; hạng ba cũng gọi sinh đồ, bổ làm lễ sinh hoặc nhiêu học. Thi Hoa văn trong 3 ngày, mỗi ngày làm một bài thơ. Thi đậu được bổ làm việc ở Tam ti.

Năm 1695, chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) mở khoa thi Văn chức và Tam ti trong phủ chúa. Thi Văn chức gồm có thi tứ lục, thơ phú, văn sách. Thi Tam ti dành cho ngành võ.

Thời chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) định lại phép thi: đậu đệ nhất kì gọi là nhiêu học, được miễn sai dịch 5 năm, đậu đệ nhị kì và đệ tam kì được miễn sai sinh suốt đời, đậu đệ tứ kì gọi là hương cống, được bổ làm tri phủ, tri huyện.

Thời Tây Sơn: Xử dụng chữ Nôm trong việc cai trị và cả trong thi cử. Đây là một thay đổi mới mẻ nhưng lại làm phật lòng những đầu óc thủ cựu.

Thời nhà Nguyễn: Ngay từ thời vua Thế tổ Gia Long đã quan tâm việc học. Tại các doanh, trấn có Văn miếu thờ Đức Khổng Tử , tại kinh đô Huế lập Quốc tử giám và cho mở thi Hương tuyển nhân tài. Vua Thánh tổ Minh Mệnh lại càng trọng việc học hành. Ngài quan niệm ‘Đạo trị nước thì trước hết cần phải gây lấy nhân tài’, nên nhà vua rất yêu dùng những người có văn học, cho các hương cống vào làm hành tẩu trong lục bộ để học tập việc chính trị, mở Quốc tử giám ở kinh đô và cho các giám sinh được hưởng tiền trợ cấp mà ăn học. Có bộ Lễ lo việc học cho cả nước. Cấp tỉnh có quan đốc học, phủ có giáo thụ, huyện và châu có quan huấn đạo coi sóc trường công lập ở địa phương.

Cái học nhà nho xưa bắt buộc phải thuộc những sách Tứ Thư (Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung, Mạnh Tử), Ngũ Kinh (Xuân Thu, Thi, Thư, Lễ, Dịch; có cả Nhạc, nhưng ít khi được kể ra) và những lời chú giải của các bậc tiên nho trong những sách ấy. Sĩ tử còn phải học thêm mấy bộ sử Tầu. Rồi phải luyện tập thành thạo các môn trường thi như kinh nghĩa, tứ lục, thi phú, văn sách, và những quy định trường thi (tức là trường quy: chẳng hạn như phải tránh phạm húy…) (5).

Học sinh gọi là khoá sinh. Nếu đã từng đi thi thì gọi là thí sinh hoặc thầy khoá.

Hàng năm quan đốc học ở các tỉnh tổ chức sát hạch, học sinh qua được kì sát hạch cấp tỉnh mới được đi thi Hương.

Thể lệ thi cử phỏng theo nhà Lê. Thường cứ 3 năm Triều đình mở thi Hương một lần tại các tỉnh lớn như Hà Nội, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Thừa Thiên, Bình Định, Gia Định.

Thí sinh đỗ đầu kì thi Hương gọi là Giải nguyên. Đỗ tứ trường gọi là Cử nhân (ông cử, hương cống). Đỗ tam trường gọi là Tú tài (ông tú, thầy tú, thầy đồ, thời nhà Lê gọi là sinh đồ). Đậu nhị trường gọi là Nhị trường. Chỉ đậu một trường kể như không có học vị.

Đời vua Thế Tổ Gia Long mới chỉ có thi Hương, nay mở thêm thi Hội (1822). Đỗ Cử nhân xong thì năm sau trẩy Kinh để thi Hội. Đôi khi có ngoại lệ: sĩ tử đậu Tú tài nhưng nổi tiếng giỏi giang cũng có thể được dự thi Hội.

Đậu cao kì thi Hội thì được vào sân vua thi Đình (Điện thi). Ai đỗ thấp (vớt) chỉ được ghi tên vào bảng phụ, gọi là Phó bảng (quan bảng).

Thời nhà Nguyễn, đậu khoá thi Đình, tức tiến sĩ, được xếp hạng như sau:

– Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh: Trạng nguyên
– Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh: Bảng nhãn
– Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh: Thám hoa
– Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân: Hoàng giáp
– Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân: Tiến sĩ (quan nghè)

Nhà Nguyễn có lệ ‘tứ bất lập’để tránh những kẻ có ý đồ khuynh loát quyền hành. Đó là không lập hoàng hậu khi còn sống, không lập tể tướng, không lập thái tử, và không lấy trạng nguyên trong kì thi Đình.

Coi như cái học nhà nho chấm dứt vào thời vua Khải Định (1916-1925). Kì thi Hương cuối cùng tổ chức năm 1918 ở Nghệ An và Bình Định. Và kì thi Hội cuối cùng tổ chức năm 1919 tại kinh đô Huế.

NHẬN XÉT

Phải công nhận cái học nhà Nho đào tạo được một giai cấp trí thức biết trọng đạo lí, đạo làm người ‘nhơn giả, nhân dã’, biết bổn phận với vua với nước, với cha mẹ, vợ con và tình nghĩa bạn bè làng xóm, nghĩa là cái đạo ‘tam cương’, ‘ngũ thường’.

Tuy nhi ên, ngoại trừ một số ít những tay khoa bảng xuất sắc, tài cao đức trọng, nói chung, cái học theo lối cử nghiệp nhà nho chỉ cốt đào tạo những ông quan, không tạo ra được cho nước nhà tầng lớp trí thức thiên về sáng kiến, có óc thực dụng, sẵn sàng tiếp thu những cái hay, những cái mới mẻ từ các nền văn hoá khác với nền văn hoá Trung Hoa.

Chính vua Minh Mệnh, (1791-1840, lên ngôi năm 1820) đã phê phán: ‘Lâu nay khoa cử làm cho người ta sai lầm. Trẫm nghĩ văn chương vốn không có quy củ nhất định, mà nay những văn cử nghiệp chỉ câu nệ cái hủ sáo, khoe khoang lẫn với nhau, biệt lập mỗi nhà một lối, nhân phẩm cao hay thấp do tự đó, khoa tràng lấy hay bỏ cũng do tự đó. Học như thế thì trách nào mà nhân tài chẳng mỗi ngày một kém đi. Song tập tục đã quen rồi, khó đổi ngay được, về sau nên dần dần đổi lại’ (6).

Trong cuốn Việt Nam Văn Hoá Sử Cương, học giả Đào Duy Anh cũng nhận xét: ‘Nhưng phần đông những nhà nho có tiếng ở đời ấy chỉ là những người giỏi từ chương, khéo dùng lời văn bóng bảy mà lập lại những tư tưởng của Chu Trình chứ không có biệt sáng được điều gì cả. Có tiếng về lý học như Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585, đậu Trạng nguyên đời Mạc Đăng Doanh) mà cũng không có sở kiến gì đặc sắc về học thuật, chẳng qua cũng chỉ là một người đệ tử trung tín của Tống Nho thôi’(7).

Trong Việt Nam Sử Lược, sử gia Trần Trọng Kim phê phán lối khoa cử cũ nặng nề hơn nữa: ‘Ấy là dùng hư văn mà xét tài thực dụng, đem sự hoa mỹ mà làm mực thước đo tài kinh luân. Bởi vậy ai hay kinh nghĩa đã nghĩ mình hơn người, ai tài thi phú đã tưởng mình đã giỏi nghề trị nước. Việc đời thì tối tăm mờ mịt mà lại tự phụ và kiêu căng, cho thiên hạ như rơm rác, coi mình như thần thánh’ (8).

CHÚ THÍCH:

1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Soạn giả Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên 1697. Dịch: Viện Khoa Học Xã Hội Hà Nội VN 1985-1992. NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993. Ấn bản điện tử 2001. Quyển III. Trang 25.
2. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. S đd. Quyển V. Trang 44 và 45. 
3. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Sđd. Quyển III. Trang 114. 
4. Trần Trọng Kim. VNSL. NXB Văn Hoá Thông Tin, 1999. Trang 251-52.
5. Việt Nam Văn Học Sử yếu của Cụ Dương Quảng Hàm định nghĩa mấy môn thi thời Nho học như sau:

Kinh nghĩa:

Kinh nghĩa đen là sách, đây tức là tứ thư và ngũ kinh hợp lại thành chín kinh. Kinh nghĩa là một bài văn giải thích ý nghĩa một câu trích trong truyện, bởi thế cũng gọi lối ấy là tinh nghĩa (tinh: làm rõ).

Văn sách:

Sách nghĩa là mưu hoạch, văn sách là một bài văn làm để trả lời những câu hỏi của đầu bài để tỏ kiến thức và mưu hoạch của mình. Văn sách là một thể văn không có vần, thường thì có đối, nhưng viết thành văn xuôi cũng được.

Chiếu, chế, biểu:

Chiếu là lời của vua ban bố hiệu lệnh cho thần dân. Chế là lời của vua phong thưởng cho công thần. Biểu là bài văn của thần dân dâng lên vua, để chúc mừng (hạ biểu) hoặc tạ ơn (tạ biểu) hoặc bày tỏ điều gì.

Cách làm chiếu chế, biểu, theo lối “tứ lục”

Ngày xưa ba lối ấy làm theo văn xuôi gọi là cổ thể: từ đời nhà Đường, mới làm theo lối tứ lục gọi là cận thể (thể gần đây). Tứ lục (bốn sáu) cũng là một lối biền văn, lối ấy gọi thế vì mỗi câu thường chia làm hai đoạn một đoạn 4 chữ, một đoạn 6 chữ.

Ngoài ra, bài tấu cũng có nghĩa như bài biểu tức là thể văn bầy tôi dâng lên vua. Còn hạ chỉ: tức là bản văn của vua ban xuống khi chỉ dụ cho quần thần hoặc dân.

6. Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. NXB Thông Tin Văn Hoá, 1999. Trang 462.
7. Đào Duy Anh. Việt Nam Văn Hoá Sử Cương. NXB Bốn Phương. Trang 238.
8. Trần Trọng Kim. VNSL. NXB Thông Tin Văn Hoá, 1999. Trang 513.

Bài Liên Quan

Leave a Comment