Ngày Nhớ Huế.

Chuly sưu tầm

Ngày Nhớ Huế.
Written by Huy Phương

Dù ở Sàigòn hay ở Cali, cứ mỗi lần trời trở lạnh se sắt và tỏa ít sương mù, lòng tôi lại bâng khuâng nhớ Huế. Phải chăng trong mỗi người Huế ly hương, có một phần sâu kín của tâm tư ấp ủ những hình ảnh và kỷ niệm, phần lớn là của thời niên thiếu, về Huế.

Theo ý tôi, Huế chẳng phải là \”đất anh hùng của Mười hai nữ du kích kéo pháo\” như quân sử của bộ đội VC đã vẽ vời ra, Huế cũng chẳng phải là \”đất của Cách Mạng, của Khí thế xuống đường\” trong những ngày được VC mệnh danh là \”đấu tranh dân chủ\”. Vì như vậy, Huế chẳng còn là Huế của tôi.

Huế của tôi là tiếng ve rộn rã trên đường thành nội những buổi trưa hè. Huế của tôi là hương sen ấp ủ trên mặt hồ Tịnh Tâm sáng xưa còn tỏa hơi nước. Huế của tôi là con đường bờ sông hoa phượng đỏ những ngày sân trường tỏa ra trăm, nghìn tà áo trắng và tiếng cười nói reo vui. Huế của tôi là những khu vườn tĩnh mịch của phủ, bộ, đền, chùa không ánh nắng thoang thoảng mùi hương hoa sói, hoa mộc lan. Huế của tôi là những bờ sông vắng lặng, mặt nước như mặt hồ, khuấy động nhẹ nhàng bằng những mái chèo khua nước.

Ai đã không trải qua những ngày vui đơn giản vô tư, đạp xe đạp qua những con đường đồi lên Vọng Cảnh, qua Minh Mạng, về Nam Giao uống \”đọi\” nước chè tươi dưới chân chùa Linh Mụ, ăn chén bánh bèo sứt miệng cạnh núi Ngự Bình trước tròn sau méo, thơ thẩn trên những con đường sát bờ sông An Cựu \”nắng đục mưa trong\”.

Ôi Huế, dư vị của những tô bún bò cay xé miệng, những chén chè cồn ngọt đến ruột rà. Dấm nuốt Vĩ Dạ, cơm hến, bánh canh Nam Phổ, bánh khoái Đông Ba, cơm Âm Phủ; mỗi món một vẻ, ăn một lần đi xa nhớ mãi.

Huế với những tiếng rao ai ăn chè đậu xanh đậu ván trầm bổng lê thê, âm điệu tiếng ru em à ơi buồn buồn. Trên sông, câu hò mái nhì ngọt ngào đưa đẩy thuyền về Đại Lược, duyên ngược Kim Long, trong làng tiếng hò giã gạo tục thanh thanh tục khoan tới khoan lui, tiếng nam ai ai oán nước non nghìn dặm ra đi, tiếng đàn tranh nỉ non khóc trên tương tư khúc sầu vời vợi.

Huế là đất xưa của Chiêm Thành, còn vướng vất đâu đây tiếng gió hờn reo trên những đỉnh tháp cao nên tiếng ca câu hò âm hưởng chuyện ai oán nước mất nhà tan. Huế với những vương tôn công tử mệ chém củ khoai, đói thì cũng nằm trên chiếu cạp điều, chỉ xơi với thời chẳng bao giờ ăn uống như người phàm tục. Huế với những điếu cẩm lệ, bình uống trà. Huế với những o gánh hàng ra chợ, những mệ bán hàng rong vẫn áo dài tha thướt.

Phần âm u của Huế lẩn quất ở con đường Âm Hồn, quán Âm Phủ, Mả Ông Trạng. Huế oan khuất bởi cái chết của hàng nghìn dân chúng trong ngày 23 tháng năm năm Giáp Thân thất thủ kinh đô, Huế tức tưởi bởi mấy nghìn người bị chôn sống trong Tết Mậu Thân. Huế với năm 1975 lại một lần thất thủ với hàng trăm xác người chết vì pháo trên bãi Thuận An.

Huế nghèo nàn, đau khổ, oan ức với không khí những ngày lễ Tết, phảng phất trầm hương, nhang khói, nghẹn ngào như tiếng đàn nhị xé nát ruột gan của người nhạc sĩ mù dưới góc cầu Gia Hội ngày nào.

Thuở thiếu thời tôi yêu Huế biết bao với những buổi sáng mù sương qua cầu Trường Tiền, tìm em ở đâu khi em lẫn cùng với sương khói, áo em trắng quá nhìn không ra. Những chuyến đò ngang Thừa Phủ, Đập Đá dù tôi đã vội chân cũng trễ, đò đã rời bến với em trên đó, để tôi nhìn theo ngẩn ngơ. Thuở thiếu thời tôi yêu biết bao với những buổi học bài trên nhà súng, ngọn gió nam đã ru tôi ngủ. Những chiều lên Nam Đài nhìn về Bạch Hổ, Kim Long đoán chừng nhà ai ở hướng nào trong những vườn cây xanh mướt.

Sau gần mười năm không gặp lại Huế, cuối năm 1981 sau những ngày tù tội ở miền Bắc, chúng tôi được chuyển vào Nam trên chuyến xe lửa do Ấn Độ viện trợ, xuất phát từ ga Mỹ Lý. Tàu qua ga Sông Bồ, qua ga Hiền Sĩ, qua Văn Xá, qua ga Triều Sơn Tây là tưởng chừng như đã thấy Huế. Khi qua cầu An Hòa, xe lửa chạy chầm chậm lại. Ở quãng đó Quốc lộ 1 và đường xe lửa đã sát kề nhau. Bỗng một mùi thơm bốc lên cửa sổ con tàu, mùi của một nồi bún bò đẫm vị sả, ruốc, ớt sực nức. Tôi chồm ra cửa sổ; dưới quốc lộ sát con tàu, một o gánh bún bò, áo nâu vá đang ngước mắt nhìn con tàu qua. Thoáng một chốc bao nhiêu kỷ niệm về Huế hiện ra. Ôi Huế của tôi đây.

An Hòa, Cửa Hữu, Nam Đài, Bạch Hổ. Tàu chạy qua ga Huế mà không dừng lại. Qua những hàng rào kẽm gai, tôi nhìn những bà con Huế đưa tay rụt rè vẫy gọi. Tôi về Nam mà không được dừng lại thăm Huế của tôi, nơi cha tôi nằm xuống khi tôi chưa về, nơi mẹ tôi thường chờ một chuyến tàu từ Bắc vào Nam.

Huế hôm nay như một nàng thiếu nữ hoàng tộc lấy phải anh chàng cục súc. Huế vẫn đẹp, nhưng Huế tàn phai đổ nát. Nhiều người đã bỏ Huế ra đi, và đi xa hơn nữa. Huế hôm nay không còn thuần là người Huế, là của Huế. Nhưng tôi nghĩ Huế vẫn ở trong tôi, trong anh chị, những người Huế tha hương cùng một lứa bên trời lận đận.

Huế là đất đi để nhớ không phải ở để mà thương, nhưng xa rồi mới thấy thương lẫn cùng nhớ. Nhờ những người thiện tâm thiện chí đứng ra tổ chức, giờ đây mỗi năm đến với Ngày nhớ Huế để gặp lại những người bạn Huế, ăn một vài món Huế, nghe một đoạn thơ, thưởng thức một bài hát về Huế, ôn lại vài kỷ niệm về Huế, cũng là một điều an ủi cho những người lưu vong mất nước, chưa có dịp thực hiện một chuyến hành hương về thăm lại Huế.

Năm nay, giữa muôn vàn ngổn ngang của sinh kế, công ăn việc làm, những người Huế vẫn còn một ngày để nhớ Huế. Nếu chiều nay, vì nợ áo cơm tôi không đến với Ngày Nhớ Huế được, thì Huế chẳng thiếu một ai, nhưng trong tôi, tưởng chừng đã thiếu Huế. Xin tạ lỗi cùng Huế và bạn bè thân thiết.

Bài Liên Quan

Leave a Comment