Mỹ: Luật ngân sách quốc phòng lên án Trung Quốc xâm lấn Ấn Độ

Mỹ: Luật ngân sách quốc phòng lên án Trung Quốc xâm lấn Ấn Độ

January 2, 2021

\"\"

Trong luật ngân sách quốc phòng vừa được Quốc Hội lưỡng viện Mỹ thông qua hôm qua bất chấp phủ quyết của tổng thống Donald Trump, có một điều khoản lên án Trung Quốc xâm lược quân sự Ấn Độ. Theo hãng tin PTI của Ấn Độ, điều khoản này phản ánh sự yểm trợ mạnh mẽ của chính phủ Mỹ đối với các đồng minh và đối tác ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và những nơi khác.

Cụ thể, trong luật mang tên The National Defence Authorisation Act (NDAA) 2021, có một nghị quyết, do nghị sĩ gốc Ấn Độ Raja Krishnamoorthi đề nghị, yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt tấn công quân sự vào Ấn Độ dọc theo Đường kiểm soát thực tế LAC. LAC là đường ranh giới ngăn cách lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát với lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát.

Trung Quốc và Ấn Độ đụng độ với nhau tại ranh giới LAC ở khu vực Ladakh từ tháng 5 năm ngoái. Các cuộc thảo luận giữa Bắc Kinh và New Delhi nhằm giải quyết xung đột cho tới nay vẫn chưa đạt kết quả cụ thể nào. Bày tỏ “quan ngại rất lớn” về hành động xâm lấn quân sự tiếp diễn của Trung Quốc dọc theo LAC, luật ngân sách quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc cùng với Ấn Độ giải quyết tình hình tại đường ranh giới này thông qua các cơ chế ngoại giao hiện có, chứ không được dùng đến hành động cưỡng ép hay vũ lực.

Theo hãng tin PTI, phản ứng về việc nghị quyết mà ông đề nghị được đưa vào luật ngân sách quốc phòng Mỹ, nghị sĩ Krishnamoorthi nói: “ Sự xâm lấn thô bạo của Trung Quốc dọc theo Đường kiểm soát thực tế với Ấn Độ, cũng như nhắm vào các nước khác là không thể chấp nhận được. Việc nghị quyết này trở thành luật là một thông điệp rõ ràng về sự yểm trợ và đoàn kết đối với Ấn Độ và các đối tác khác của chúng ta trên khắp thế giới vào thời điểm chúng ta bước vào năm mới”.

Luật về ngân sách quốc phòng Mỹ vừa được thông qua còn nhấn mạnh là những yêu sách chủ quyền “vô căn cứ” của Trung Quốc đối với các vùng như Biển Đông, Biển Hoa Đông là những yêu sách gây mất ổn định và trái với luật pháp quốc tế.

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment