Quốc Hội Pháp sẽ thảo luận về sự hiện diện quân sự ở Mali

Quốc Hội Pháp sẽ thảo luận về sự hiện diện quân sự ở Mali

Đăng ngày: 03/02/2022

Thanh Phương

Trước Thượng Viện hôm qua, 02/02/2022, thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo sẽ tổ chức một cuộc thảo luận tại Quốc Hội về sự tham gia của quân đội Pháp vào cuộc chiến chống khủng bố tại Mali trong bối cảnh khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa hai nước.

Theo hãng tin AFP, thủ tướng Castex đã thông báo như trên nhằm đáp lại yêu cầu của lãnh đạo khối nghị sĩ đảng Xã Hội tại Thượng Viện cũng như của lãnh đạo nhóm dân biểu cánh trung ở Hạ Viện Pháp.

Trong khi chỉ còn hai tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống Pháp, việc tập đoàn quân sự cầm quyền hôm thứ hai vừa qua quyết định trục xuất đại sứ Pháp ở Mali khiến sự hiện diện quân sự của Pháp ở nước này trở thành một trong những vấn đề chính yếu trong cuộc tranh cử. Các đảng đối lập từ cánh cực hữu cho đến cực tả gần như nhất trí yêu cầu Pháp phải dần dần triệt thoái khỏi Mali.

Quân đội Pháp đã tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Mali và ở vùng Sahel từ năm 2013, nhất là với lực lượng Barkhane. Nhưng kể từ sau cuộc đảo chính đầu tiên vào tháng 08/2020, sau đó là cuộc đảo chính tháng 05/2021, quan hệ giữa Pháp và Mali trở nên rất căng thẳng.

Hôm thứ Ba vừa qua, phát ngôn viên chính phủ Gabriel Attal nhắc lại là Pháp đã dần dần giảm bớt sự hiện diện quân sự ở Mali và sẽ tiếp tục làm như thế, bởi vì lực lượng Barkhane từ 5.000 quân vào mùa hè 2021 sẽ giảm xuống còn từ 3.500 đến 4.000 quân mùa hè 2022.

Về phần Đức, ngoại trưởng của nước này, bà Annalena Baerbock, hôm qua khi trả lời phỏng vấn một nhật báo Đức, cũng cho rằng cần phải đánh giá lại sự hiện diện quân sự của châu Âu ở Mali. Hiện nay, quân đội Đức tham gia hai lực lượng ở Mali, một của châu Âu và một của Liên Hiệp Quốc. Đến tháng 5 tới, Quốc Hội Đức sẽ quyết định quân đội nước này nên tiếp tục tham gia hai lực lượng đó hay không. Nhưng hãng tin AFP nhắc lại là hôm 22/01 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Đức Christine Lambrecht đã loại trừ khả năng triệt thoái quân Đức khỏi Mali, vì theo bà không nên nhường chỗ cho lính đánh thuê của công ty bán quân sự Nga Wagner, vốn bị Pháp cáo buộc là được gởi đến Mali để yểm trợ tập đoàn quân sự cầm quyền.

Bài Liên Quan

Leave a Comment