Alibaba và bão phản đối của hội bảo vệ môi trường ở Liège, Bỉ

Đăng ngày: 16/11/2022

\"\"
\"\"
Ảnh minh họa : Logo của tập đoàn Trung Quốc Alibaba tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 10/08/2021. AP – Mark Schiefelbein

Thu Hằng

Alibaba muốn biến sân bay Liège (Liège Airport), miền nam Bỉ, thành trung tâm logistic lớn nhất tại châu Âu cho nhà khổng lồ Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại điện tử. Theo kế hoạch 10 năm, bốn nhà kho hiện đại, quy mô lớn, lần lượt được xây trên tổng diện tích 220.000 mét vuông, chủ yếu là đất nông nghiệp trước đây. Tham vọng này, tác động tiêu cực đến nhiều mặt, đã buộc nhiều hiệp hội Bỉ liên kết thành lập hội Stop Alibaba và phản đối mở rộng sân bay Liège.

Theo hội Stop Alibaba, sự phát triển quá nhanh, ở quy mô lớn hơn dự kiến của sân bay Liège gắn liền với sự xuất hiện của Cainiao – công ty vận tải của tập đoàn Alibaba, cùng lúc với việc chính quyền vùng Wallonie muốn biến Liège thành trung tâm logistic hàng đầu ở châu Âu. Nhiều cuộc biểu tình đã được tập thể Stop Alibaba tổ chức tại Liège và nhiều thành phố khác trong vùng Wallonie, cũng như ở Bruxelles, để phản đối dự án mở rộng sân bay và hoạt động của Alibaba. Cuộc tuần hành quy mô lớn gần đây nhất diễn ra ngày 25/09/2022.

Những hệ quả đầu tiên là tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng, tác động tiêu cực đến chất lượng sống của người dân. Trong một nghiên cứu công bố tháng 12/2019, giáo sư Pierre Ozer, khoa Khoa học và Quản lý Môi trường, Đại học Liège, đưa ra kết luận : “Khí thải CO2 ở sân bay Liège tăng mạnh và xóa bỏ toàn bộ nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của cả vùng Wallonie”.

Giáo sư Pierre Ozer giải thích thêm về những tác động tiêu cực của dự án mở rộng sân bay Liège trong buổi phỏng vấn với RFI Tiếng Việt ngày 15/10 tại thành phố Liège.

\"\"
Giáo sư Pierre Ozer, khoa Khoa học và Quản lý Môi trường, Đại học Liège, Bỉ trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt ngày 14/10/2022 tại Lìège. © RFI / Thu Hằng

RFI : Trong một nghiên cứu năm 2019, ông đã nêu rằng từ năm 2013 đến 2017, sự phát triển của sân bay Liège đã xóa bỏ 25% nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của vùng Wallonie trong cùng thời kỳ. Toàn bộ nỗ lực này sẽ trở nên vô ích với kế hoạch mở rộng Liège Airport để đáp ứng nhu cầu của tập đoàn Trung Quốc Alibaba, thông qua công ty vận tải hàng không Cainiao. Xin ông giải thích thêm về kết luận này.

Giáo sư Pierre Ozer : Từ năm 2013 đến 2021, lượng phát thải khí CO2 liên quan đến hoạt động của sân bay Liège đã tăng gấp ba, lên thành 2 triệu tấn CO2 trong năm 2021. Điều được gọi là “công cụ tăng trưởng kinh tế”, ở đây là sân bay Liège, đã xóa bỏ toàn bộ nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của người dân vùng Wallonie, các doanh nghiệp, kể cả trong lĩnh vực nông nghiệp, vận tải.

Nếu muốn đạt được các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Khí hậu Paris thì không thể để một sân bay như vậy phát triển vì điều đó đi ngược hoàn toàn. Không thể đề ra các mục tiêu cho vui ! Chúng ta biết là trên thế giới hiện có nhiều vùng không thể sống nổi do nhiệt độ tăng cao, thiên tai thường xuyên xảy ra do biến đổi khí hậu. Phải nhắc lại là mùa hè 2021, vùng Liège cũng bị lũ lụt nghiêm trọng khiến 40 người chết và thiệt hại ước tính khoảng 10 tỉ euro.

Giữa một bên là có thêm 300 việc làm nhờ Alibaba và bên kia là không mất thêm 10 tỉ euro vì thiên tai, lựa chọn nào khôn ngoan hơn ? Không thể kêu gọi, yêu cầu người dân phân loại rác, tránh sử dụng ô tô mà đi xe đạp hoặc giao thông công cộng, ngừng đi máy bay, cách nhiệt nhà ở… nhưng cùng lúc lại cho phép một sân bay tăng hoạt động và xóa bỏ mọi nỗ lực của mọi người. Nỗ lực phải mang tính tập thể. Không có lý nào một phần nhỏ của nền kinh tế, mà nhất là lại liên quan đến tập đoàn nước ngoài, được phép tự tung tự tác, không hề tôn trọng chúng tôi.

RFI : Trong vài năm gần đây, nhiều hiệp hội đã tập hợp thành hội Stop Alibaba để phản đối việc mở rộng sân bay và gia tăng hoạt động vận tải, chủ yếu là vào ban đêm. Người biểu tình nêu lên rất nhiều tác động tiêu cực. Đó là những tác động nào ?

GS. Pierre Ozer : Nếu nhìn vào khía cạnh tiêu cực, phải nói là có rất nhiều, đầu tiên là ô nhiễm tiếng ồn vì phần lớn vận tải hàng không diễn ra trong đêm : 80% máy bay cất cánh và hạ cánh xuống sân bay Liège trong khoảng thời gian từ 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, có nghĩa là vào lúc mọi người đang ngủ và tiếng ồn làm xáo trộn giấc ngủ, không phải của 2-3.000 người mà là vài chục nghìn dân.

Tiếp theo, kế hoạch mở rộng sân bay làm suy thoái đa dạng sinh học, gây dồn tụ nước mưa do đất bị bê tông hóa, không thấm được nước và như vậy càng làm gia tăng nguy cơ lụt lội. Việc đô thị hóa quá nhanh một vùng chủ yếu làm nông, bê tông hóa vài trăm hecta đất sẽ khiến nước không thấm được vào đất và không cung cấp được cho các mạnh nước ngầm. Kết quả là vùng sẽ bị thiếu nước ngọt.

Ngoài ra, nhìn vào cuộc khủng hoảng Covid-19 và giờ là chiến tranh Ukraina, có thể thấy chúng ta ngày càng phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Theo tôi, đây cũng là lúc thích hợp để xem lại cách ăn uống của chúng ta. Phải tìm thức ăn ở đâu ? Chi phí vận chuyển cũng bắt đầu trở nên vô cùng đắt đỏ, cho nên phải tái lập hệ thống nông nghiệp của chúng ta. Khi đất bị đổ bê tông thì không thể trồng gì ở trên đó. Giả sử không mở rộng sân bay thì đất nông nghiệp vẫn được duy trì và có thể tạo ra việc làm, ví dụ trồng rau chất lượng cung cấp cho thành phố Liège và vùng phụ cận.

Một điểm khác là cuộc khủng hoảng năng lượng. Làm sao có thể hình dung là chúng ta không đổ được đầy bình xăng, gặp khó khăn trong vấn đề sưởi ấm mùa đông, vậy mà ngành hàng không lại không biết đến khủng hoảng, trong khi đó là ngành ngốn nhiều năng lượng nhất.

RFI : Hội Stop Alibaba cũng chỉ trích sự minh bạch trong thỏa thuận. Phong trào đã phải kiện để được xem nội dung hợp đồng giữa tập đoàn Alibaba và chính quyền ?

GS. Pierre Ozer : Đây là một điểm khác mà tôi muốn nhấn mạnh. Bỉ, được coi là một nước “dân chủ, quản trị, minh bạch”, thế nhưng với sự xuất hiện của Alibaba ở Liège, minh bạch hết tồn tại. Mọi chuyện đều mập mờ. Ví dụ, nếu muốn biết hợp đồng được chính quyền Bỉ ký với chính quyền Trung Quốc, giữa Alibaba và Liège Airport, như thế nào thì người ta nói là không có, không xem được. Thật không thể tưởng nổi trong khi sân bay Liège là một công cụ kinh tế của vùng Wallonie, dĩ nhiên hoạt động theo cơ chế đối tác công-tư, nhưng phần lớn là của công. Nếu tôi nộp thuế, họ có nghĩa vụ minh bạch về vấn đề này. Vậy mà chúng tôi phải kiện để có thể nhận được điều mà lẽ ra có thể tiếp cận một cách tự nhiên. Chúng tôi muốn biết nội dung hợp đồng với Alibaba.

Trường hợp nhượng đất như vậy không phải xảy ra lần đầu tiên. Chúng ta đã thấy ở châu Phi, ở Đông Nam Á, ở Nam Mỹ, rất nhiều công ty lớn hoặc đại tập đoàn đa quốc gia được quyền khai thác đất trong thời hạn khá dài, có thể lên tới 99 năm. Cho nên cấm chúng tôi xem truy cập tài liệu là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được.

RFI : Tập đoàn Alibaba, cũng như các đối tác Bỉ, khẳng định sẽ có thêm vài nghìn việc làm trong khuôn khổ hợp đồng. Lời hứa này được thực hiện như nào ?

GS. Pierre Ozer : Khi thông tin Alibaba đến Liège Airport được chính thức công bố, các chính trị gia Bỉ nói là sẽ có vài nghìn việc làm mới ngay trong thời gian đầu và sẽ giúp sân bay tăng trưởng thần kỳ. Giờ Alibaba ở đó và chỉ tạo hơn 300 việc làm. Đó lại là những công việc vô cùng vất vả. Nhân viên phải làm việc trong những điều kiện khó khăn, chủ yếu làm đêm và hiếm khi là toàn thời gian nên nhiều người phải làm thêm việc khác để bảo đảm chi trả cho cuộc sống.

Từ vài nghìn việc làm xuống thực tế hơn 300, tôi nghĩ là những lo ngại của chúng tôi là có cơ sở, vì nếu nhìn vào những trung tâm logistic của Alibaba ở nơi khác, giai đoạn hai sẽ được tự động hóa, chỉ còn khoảng 1-2 vị trí trên 1 hecta kho xưởng, phần còn lại đều do robot làm. Lời hứa tạo việc làm ngay lập tức đã không đạt mức mong đợi thì chúng ta có thể hình dung là trong những năm tới sẽ có nhiều vị trí bị cắt giảm vì robot sẽ thế chỗ đó.

RFI : Sau nhiều năm đấu tranh, những yêu cầu của hội Stop Alibaba có được lắng nghe không ? Và đạt được kết quả như nào ?  

GS. Pierre Ozer : Có một số điểm tiến triển. Cách đây gần 6 tháng, vào mùa xuân 2022, tập thể chúng tôi đã được lắng nghe ở cấp Nghị Viện vùng Wallonie. Đoàn chúng tôi gồm nhiều chuyên gia về vấn đề kinh tế, điều kiện lao động, ô nhiễm tiếng ồn sân bay như trường hợp của Liège Airport, nhiều tổ chức nghiệp đoàn, còn tôi về vấn đề khí thải CO2. Tuy nhiên, trong tổng kết được đưa ra, họ không đề cập đến điều kiện lao động, bỏ cả vấn đề khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Họ chỉ nhắc đến vấn đề vệ sinh và kết luận chính của Nghị Viện vùng Wallonie là tạo được công ăn việc làm : đó là việc tốt.

Họ nghe hàng loạt người trình bày nhưng chỉ đưa vào báo cáo cuối cùng những gì phù hợp với mục tiêu kinh tế. Phần còn lại không tồn tại nữa, mà bị xóa sạch. Không thể làm như vậy được ! Tôi nghĩ là nếu muốn giải quyết một vấn đề phức tạp thì phải xét đến tổng thể phức tạp của vấn đề đó.

Gần đây, liên quan đến đơn xin phép mở rộng sân bay cho 20 năm tới, với những vấn đề mà chúng tôi nêu lên, chính quyền vùng Wallonie đã quyết định hạn chế sự phát triển của sân bay. Có nghĩa là công trình nghiên cứu về khí phát thải CO2 của tôi đã được Cơ quan về Không khí và Khí hậu vùng Wallonie công nhận, trong khi mới gần đây thôi, người ta vẫn nói là “Ông Ozer toàn nói linh tinh”.

Chúng tôi từng bước giành chiến thắng. Có khả năng cao là việc mở rộng sân bay và hoạt động của Alibaba ở Liège Airport sẽ bị hạn chế trong tương lai. Năm 2021, đã có 43.000 di chuyển hàng không ở sân bay Liège và hiện tăng thêm khoảng 15%, theo những dự liệu mà chúng tôi có. Có nghĩa nếu thêm 15% vào khoảng 40.000, thì sẽ là khoảng 50.000. Và chính quyền Wallonie quyết định khống chế mức tăng ở 50.000 di chuyển ngay từ năm 2022. Họ sẽ không thể tăng thêm vào năm 2023.

Ngoài ra, họ cũng phải giảm 5% số chuyến bay đêm hàng năm. Hiện tại, 80% số chuyến bay ở Liège Airport là vào ban đêm. Liège Airport là sân bay duy nhất ở châu Âu làm như vậy, trong khi các sân bay đóng cửa từ 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Và phải nói rằng chính hoạt động 24/24 giờ đó tạo nên sức thu hút của Liège Airport. Việc phải giảm dần số chuyến bay đêm sẽ đẩy Liège Airport phải cạnh tranh với Paris, Kohl, Amsterdam, Bruxelles và Liège có lẽ sẽ yếu thế hơn một chút so với những thành phố đó.

RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn giáo sư Pierre Ozer, khoa Khoa học và Quản lý Môi trường, Đại học Liège, Bỉ. 

Bài Liên Quan

Leave a Comment