Trung Quốc đã bẻ khóa mã hóa AirDrop của Apple để theo dõi người gửi

Chính quyền Trung Quốc cho biết việc này cho phép cảnh sát địa phương tìm ra “một số nghi phạm” sử dụng tính năng này của iPhone để truyền các tệp có chứa “những bình luận không phù hợp.”

Trung Quốc đã bẻ khóa mã hóa AirDrop của Apple để theo dõi người gửi

Công an phong tỏa khu vực gần cửa hàng lớn nhất của Apple ở Bắc Kinh vào ngày 13/01/2012. (Ảnh: Feng Li/Getty Images)

Dorothy Li

Thứ sáu, 12/01/2024

Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng họ có thể xác định những cá nhân sử dụng công cụ chia sẻ tệp không dây của Apple để truyền bá nội dung mà Bắc Kinh cho là “không phù hợp.”

Trong một bài báo xuất bản hôm 08/01, Văn phòng Tư pháp Thành phố Bắc Kinh cho biết, các chuyên gia đã xác định được số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của thiết bị gửi AirDrop bằng cách tìm trong nhật ký máy trên thiết bị nhận. Theo cơ quan này, điều đó cho phép công an địa phương tìm ra “một số nghi phạm” sử dụng tính năng này của iPhone để truyền các tệp có chứa những gì mà chính quyền gọi là “những bình luận không phù hợp.”

AirDrop, được thiết kế để hoạt động trong khoảng cách ngắn, được tạo ra như một chương trình dựa vào kết nối trực tiếp giữa các điện thoại. Theo bài báo, bằng cách hình thành một mạng lưới thiết bị cục bộ mà không dựa vào Internet để liên lạc, AirDrop khiến các nhà chức trách khó kiểm soát “thông qua các phương pháp giám sát mạng thông thường.”

Tính năng chia sẻ tệp, vốn có sẵn trên iPhone và các thiết bị khác của Apple, là một công cụ quan trọng để người biểu tình ở cả Hoa lục và Hồng Kông tránh kiểm duyệt và duy trì liên lạc. Người dùng không thể xem lại lịch sử truyền phát, và thiết bị của người nhận chỉ có thể hiển thị tên do người dùng đặt ra của người gửi.

Cơ quan tư pháp Bắc Kinh tuyên bố trong bài báo rằng các chuyên gia đã trích xuất hồ sơ được mã hóa của AirDrop bằng cách phân tích nhật ký máy của iPhone. Họ ca ngợi các chuyên gia từ Công ty TNHH Công nghệ Wangshendongjian Bắc Kinh, một viện thẩm định điều tra địa phương, vì đã trợ giúp các nhà chức trách “vượt qua những khó khăn kỹ thuật trong việc truy tìm những chiếc AirDrop ẩn danh.”

The Epoch Times đã liên lạc với Apple để yêu cầu bình luận nhưng không nhận được phúc đáp vào thời điểm phát hành bản tin này.

Kiểm duyệt của iPhone

AirDrop đã được sử dụng rộng rãi như một công cụ liên lạc trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông hồi năm 2019. Những người biểu tình đã sử dụng chương trình này để vượt qua cái gọi là Đại Tường Lửa của Trung Quốc, truyền những thông điệp quan trọng đến công chúng và bảo đảm việc liên lạc giữa họ được thông suốt.

Cuối năm 2022, sau khi các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp COVID-19 hà khắc của Bắc Kinh nổ ra ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác của Trung Quốc, Apple đã hạn chế tính năng chia sẻ ở đại lục sau khi có báo cáo cho biết những người biểu tình trẻ tuổi đã sử dụng tính năng AirDrop để chia sẻ hình ảnh và khẩu hiệu lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc ( ĐCSTQ) và lãnh đạo của đảng này, ông Tập Cận Bình.

Ngày 09/11/2022, Apple phát hành iOS 16.1.1., một phiên bản mới của hệ điều hành di động của hãng này. Công ty công nghệ này lưu ý rằng “phiên bản cập nhật này bao gồm các phần vá lỗi cũng như các cập nhật về bảo mật được khuyến nghị cho tất cả người dùng.” Tuy nhiên, độc giả người Trung Quốc của 9to5Mac, một trang web đưa tin về Apple và các sản phẩm của hãng này, nhận thấy một sửa đổi trong bản cập nhật là dành riêng cho những chiếc iPhone bán ở Trung Quốc.

Sau bản cập nhật hệ điều hành này, AirDrop trên những chiếc iPhone bán ở Trung Quốc chỉ có thể được định cấu hình để nhận tin nhắn từ “mọi người” trong 10 phút trước khi tắt. Thông thường, người dùng AirDrop có thể chọn nhận tệp từ “mọi người”—những người trong danh bạ liên lạc và ngoài danh bạ liên lạc—trong thời gian không giới hạn. Trước khi có bản cập nhật này, mục cài đặt “mọi người” có thể được bật vĩnh viễn trên iPhone ở Trung Quốc.

Apple tuyên bố rằng tính năng này là một nỗ lực nhằm cắt giảm nội dung thư rác được gửi ở những khu vực đông người như trung tâm thương mại, và ban đầu họ đã dự định khai triển tính năng này trên toàn cầu bắt đầu từ năm 2023.

Tuy nhiên, Apple đã không đưa ra lời giải thích tại sao họ lại chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên áp dụng các hạn chế đối với AirDrop.

Kiểm duyệt của Trung Quốc

Trong nhiều năm, Apple lưu giữ dữ liệu của khách hàng Trung Quốc trên các máy chủ đặt tại nước này và do một công ty nhà nước điều hành, tuân thủ yêu cầu của Bắc Kinh về việc giữ thông tin trong phạm vi biên giới nước này.

Các chuyên gia nói rằng cách thức này cho phép ĐCSTQ truy cập không hạn chế vào dữ liệu người tiêu dùng. Đáp lại, Apple tuyên bố rằng họ giữ các khóa mã hóa dữ liệu được lưu trữ trong các cơ sở máy chủ đó và “không bao giờ xâm phạm tính bảo mật” của người dùng cũng như dữ liệu của họ.

Việc lưu trữ tại nước sở tại này có nghĩa là mặc dù Hoa Kỳ có luật cấm các công ty chia sẻ dữ liệu với chính quyền Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh có thể yêu cầu dữ liệu từ công ty lưu trữ máy chủ thay vì từ Apple.

Apple đã phải chịu những hạn chế ở Trung Quốc, một trong những thị trường lớn nhất của công ty đồng thời đóng góp gần 20% doanh thu cho công ty có trụ sở tại Cupertino, California này.

Tháng 09/2023, nhiều hãng truyền thông đưa tin rằng Bắc Kinh đã chỉ thị cho nhân viên và quan chức nhà nước tại một số cơ quan chính phủ không sử dụng iPhone và các điện thoại di động khác của ngoại quốc để làm việc. Các quan chức địa phương của ba tỉnh đã từng nói với The Epoch Times rằng họ đã được yêu cầu không mang iPhone và điện thoại di động của ngoại quốc đến các cuộc họp quan trọng. Những quan chức này đã tiết lộ với điều kiện ẩn danh vì sợ bị trả thù, rằng không có tài liệu chính thức nào liên quan đến lệnh đó.

Khi được hỏi về lệnh được cho là cấm iPhone tại một cuộc họp báo vào thời điểm đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không bình luận trực tiếp về vấn đề này nhưng cho biết các công ty điện thoại hoạt động tại Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp và quy định của nước này.

Các nhà quan sát Trung Quốc lưu ý rằng ĐCSTQ từ lâu đã tìm cách thắt chặt kiểm soát người dân. Chế độ này đã đổ các nguồn lực khổng lồ vào việc xây dựng một hệ thống giám sát toàn quốc, kiểm soát cả doanh nghiệp trong và ngoài nước và trừng phạt những người được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Theo phân tích dữ liệu chính thức của Nikkei Asia, số tiền mà chính quyền Trung Quốc chi cho việc khống chế toàn bộ xã hội đã vượt qua ngân sách quốc phòng dưới thời ông Tập.

Bản tin có sự đóng góp của Andrew Moran, Catherine Yang, và Lear Zhou

Cẩm An biên dịch

Bài Liên Quan

Leave a Comment