Trung Quốc hối hả dập tắt làn sóng hoảng loạn trên các thị trường chứng khoán

Nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang chạy đua với thời gian để cứu thị trường tài chính. Trong cuộc họp báo bất thường hôm 24/01/2024, Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc thông báo « bơm » thêm 140 tỷ đô la vào thị trường. Hai ngày trước đó, thủ tướng Lý Cường triệu tập nội các với mục đích lập một « quỹ ổn định tài chính » trị giá khoảng 300 tỷ đô la.

Đăng ngày: 25/01/2024

Pedestrians wearing face masks walk past the People's Bank of China in Beijing on March 3, 2023. China’s central bank said Wednesday, Jan. 24, 2024, it will cut the ratio of reserves banks must hold
Ngân Hàng Nhân Dân Trung Quốc, ở Bắc Kinh, ngày 03/03/2023. AP – Mark Schiefelbein

Thanh Hà

Hai biện pháp này có cùng mục tiêu : Ngăn chặn nguy cơ các sàn chứng khoán Trung Quốc sụp đổ. Vào lúc chỉ số chứng khoán ở khắp nơi trên thế giới tăng mạnh trong cả năm 2023, riêng các cổ đông Trung Quốc thua lỗ nặng : 6.000 tỷ đô la chứng khoán đã bốc hơi từ 2021.

Nhà tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, chủ nhân Alibaba đang bị thất sủng, hôm qua « tái xuất giang hồ » với thông báo « chi ra 200 triệu đô la để mua vào cổ phiếu của tập đoàn ». Một số nhà quan sát cho rằng truyền thông Bắc Kinh đột nhiên nhắc đến ông Jack Ma như một nỗ lực hòng cứu vãn thể diện cho thị trường tài chính Trung Quốc, vào lúc chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải trượt giá 7% trong ba tuần lễ đầu 2024. Chỉ số của Hồng Kông « rơi » mạnh hơn, mất đến 12%.

Theo tiết lộ của hãng tin Mỹ Bloomberg, trong cuộc họp hôm 22/01, thủ tướng Lý Cường đã chỉ thị cho các tập đoàn nhà nước « huy động quỹ dự trữ ngoại tệ » để mua vào cổ phiếu, tránh để chỉ số trên các sàn giao dịch ở Thâm Quyến, Thượng Hải và Hồng Kông tiếp tục « trượt giá ». Ngân Hàng Trung Ương thì khai thác mọi công cụ có trong tay để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại, đầu tư… có thêm vốn. Số này có nhiệm vụ « can thiệp vào các thị trường tài chính », tránh để cổ phiếu của các tập đoàn tham gia chứng khoán trượt giá mạnh hơn nữa.

Có rất nhiều lý do giải thích vì sao các sàn chứng khoán Trung Quốc mất giá mạnh. Một là những tín hiệu báo trước Trung Quốc đang rơi vào một chu kỳ đình trệ : tăng trưởng chậm lại, khủng hoảng địa ốc kéo dài, thất nghiệp gia tăng, tiêu thụ nội địa chỉ kỳ vọng khởi sắc trở lại vào dịp trước Tết âm lịch, cho dù đó chỉ ngắn hạn. Lý do thứ hai là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hoa lục đã giảm mạnh trong năm 2023. Lần đầu tiên từ 25 năm qua, vốn đầu tư ngoại quốc rút khỏi Trung Quốc : Chỉ riêng trong quý 3/2023, gần 12 tỷ đô la FDI đã rời khỏi Trung Quốc. Nhiều quỹ đầu tư trên thế giới « không còn xem Trung Quốc là một địa bàn thuận lợi ». Cuối cùng, như tuần báo tài chính Pháp Investir ghi nhận : Phép lạ kinh tế của Trung Quốc không còn. Cho đến nay, mỗi lần gặp khó khăn, Bắc Kinh luôn áp dụng chính sách « kích cầu », đầu tư ồ ạt vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng. Giờ đây « lá bùa hộ mạng đó đã hết thiêng ». Trung Quốc không thể xây dựng thêm những thành phố ma, những sân bay khổng lồ không một bóng hành khách.

Bên cạnh ba yếu tố vừa nêu, cũng Bloomberg lưu ý thêm về hai vấn đề nghiêm trọng khiến các sàn chứng khoán từ ở Hồng Kông đến Thượng Hải hay Thâm Quyến khó mà nhanh chóng phục hồi. Phát biểu tại diễn dàn kinh tế thế giới Davos tuần trước, thủ tướng Lý Cường mạnh dạn thông báo Bắc Kinh « vượt chỉ tiêu » GDP tăng 5,2%. Thế nhưng, theo thẩm định của tập đoàn Rhodium Group, tăng trưởng thực sự của Trung Quốc trong năm qua chỉ là 1,5%. Báo tài chính Nhật Bản Nikkei Asia (ngày 20/01) đặt câu hỏi : Biết tin ai bây giờ, khi mà khác biệt quá lớn giữa hai con số thống kê nói trên ? Kinh tế gia thuộc ngân hàng Pháp Natixis, bà Alicia Garcia Herrero, được Reuters trích dẫn, quả quyết : thành tích mà ông Lý Cường vừa khoe ở Davos « không phải là những dữ liệu (…) và không đáng tin cậy ». 

Vào lúc lãnh đạo Cơ Quan Quản Lý Tài Chính Quốc Gia Trung Quốc (NAFR) hôm 24/01/2024 mang hết uy tín ra để bảo đảm rằng « những nền tảng của kinh tế Trung Quốc rất vững chắc », thì cùng lúc thống đốc Ngân Hàng Trung Ương nước này quyết định nởi lỏng các khoản dự trữ tối thiểu của các ngân hàng để « giải phóng » 140 tỷ đô la thanh khoản… nhằm hỗ trợ kinh tế. Trong tuần, lãnh đạo quỹ quản lý đầu tư Shanghai Banxia Investment Mangement không che giấu việc các cổ đông có thể thua lỗ đến 25%, vì đã « lầm tưởng rằng các sàn chứng khoán ở Trung Quốc nhanh chóng phục hồi ».

Cuối cùng, François Monnier, giám đốc điều hành tuần báo Investir, lưu ý : Không như các thị trường chứng khoán khác trên thế giới, ở Trung Quốc, đa số cổ đông là tư nhân, là những hộ gia đình. Số này dùng tiền tiết kiệm để mua cổ phiếu. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đình đốn như hiện nay, các « cổ đông cò con đó » có khuynh hướng bán đổ bán tháo để « cứu vãn tình hình ». Khó có thể nghĩ rằng những biện pháp can thiệp cấp tốc của chính quyền sẽ giúp các sàn chứng khoán ở Hồng Kông và Hoa lục nhanh chóng khởi sắc trở lại. 

Giáo sư Alfred Wu, đại học Lý Quang Diệu ở Singapore, cũng trong bản tin của Reuters, đưa ra giải thích cuối cùng : Rất có thể vấn đề chính mà các thị trường chứng khoán Trung Quốc đang phải đối mặt mang tên Tập Cận Bình. Chính sách tài chính, kinh tế của lãnh đạo Tập, cũng như quyền lực được đặt cả trong tay một nhân vật khiến các nhà đầu tư quốc tế thận trọng với thị trường lớn nhất tại châu Á này.

Bài Liên Quan

Leave a Comment