Nhập cư lậu vào Anh: 10 người Việt mông lung, 5 người khác mất mạng

Hai nhóm người nhập cư chen nhau lên thuyền sáng ngày 23/4 tại bờ biền Manche
Chụp lại hình ảnh,Hai nhóm người nhập cư chen nhau lên thuyền sáng ngày 23/4 tại bờ biền Manche

  • Tác giả,Andrew Harding
  • Vai trò,BBC News
  • 6 giờ trước

Dạt tới một khu rừng ở thành phố Calais thuộc miền bắc nước Pháp, một nhóm 10 người Việt vẫn đang mơ hồ không rõ mình sẽ đi đâu, chỉ biết mình đang nợ tiền và cần phải chạy trốn.

Phóng viên BBC đã có cơ hội nói chuyện với nhóm người này.

Qua trò chuyện, chúng tôi biết được những người này đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như Hà Nội, Quảng Bình, Hà Tĩnh…

Theo lời một người đàn ông trong nhóm, họ đã vay nợ những kẻ côn đồ ở quê nhà và bây giờ cần phải chạy trốn. Ông cho biết mình nợ đến “cả tỷ đồng”.

Để chạy trốn, những người trong nhóm đã trả khoảng 150 triệu đồng cho những kẻ môi giới mà theo lời ông là người phương Tây và nói tiếng Anh.

Những kẻ này đã đưa ông và mọi người từ Việt Nam qua Trung Quốc, Mông Cổ, Nga và cuối cùng là tới châu Âu. Ông kể rằng đôi khi nhóm cứ đi thôi chứ cũng không biết mình đang ở đâu vì chẳng gặp ai khác cả.

Hiện nhóm đã di chuyển được gần hai tháng. Phương tiện đi lại bao gồm xe buýt, xe van và đã có lúc họ phải đi bộ qua nhiều cánh rừng.

Người đàn ông này cho biết nhóm mình có điện thoại di động nhưng không có SIM, do đó không thể truy cập Internet hay gọi điện. Thỉnh thoảng, những kẻ môi giới sẽ cho họ mượn điện thoại để liên lạc nhanh với gia đình ở Việt Nam.

Sau khi tìm hiểu thêm, BBC biết được nhóm này đang nghe theo sự chỉ đạo của những kẻ buôn người tộc Kurd. Những kẻ này đã hứa sẽ đưa họ vượt eo biển Manche và tìm việc cho họ tại Anh.

Giờ đây, họ đang phụ thuộc hoàn toàn vào những lời hứa hẹn của những kẻ môi giới.

Theo Đại tá Mathilde Potel, người điều phối các hoạt động của cảnh sát ở bên biển phía bắc nước Pháp, lượng người di cư chực chờ ở gần bờ biển Mache đã tăng mạnh – một phần là do sự gia tăng đột biến của dòng người từ Việt Nam.

Theo thống kê, lượng người Việt Nam vượt eo biển Manche vào năm 2023 đã tăng gấp đôi so với năm 2022, từ 505 lên 1.323 người.

Trong ba tháng đầu năm 2024, người Việt đứng đầu về số lượng người vượt biển trái phép vào Anh.

Vật lộn rồi chết

Trong khi đó, hai nhóm người di cư khác cũng đang tìm cách vượt biển trong đêm tối, từ một bờ biển tại Pháp.

Mọi chuyện bắt đầu khi một tiếng hét vang lên trong màn đêm.

Một cảnh sát Pháp phát hiện một đám đông đang di chuyển trên những đụn cát nhìn ra eo biển Manche, gần thị trấn Wimereux, miền bắc nước Pháp.

Chỉ vài giây sau, cả bãi biển dường như chìm trong hỗn loạn.

Hơn chục cảnh sát chạy tới bờ biển, hy vọng chặn được hai nhóm người di cư lậu vừa mới xuất hiện dưới ánh trăng.

Chúng tôi thấy một toán thanh niên đang kéo một chiếc thuyền bơm hơi xuống biển.

Bên cạnh là vài người phụ nữ đang vật lộn tìm cách leo lên thuyền, rồi bật khóc nức nở khi nhận ra rằng mình sẽ bị cảnh sát bắt giữ.

Khi hai nhóm nhập cư tụ tập ở mép nước, bạo lực thình lình bùng lên.

Một vài người đàn ông ném pháo sáng về phía cảnh sát.

Xô xát diễn ra cùng những tiếng nổ lớn. Khói trắng mịt mù phủ khắp bãi biển.

Đám đông chen chúc xung quanh chiếc thuyền hơi và cố gắng che chắn nó khỏi cảnh sát.

Có ít nhất hai người đàn ông chạy xung quanh nhóm, vung vẩy những cây gây hoặc những thanh kim loại lớn, có vẻ như là để đe dọa cảnh sát.

Chưa đầy hai phút sau, chiếc thuyền đã xuống tới vùng nước nông. Mọi người bắt đầu trèo lên thuyền.

“Tôi làm được gì nữa đây?” một người cảnh sát nói.

“Chúng tôi không được phép [theo họ] xuống biển. Và như anh thấy đó, họ có gậy. Có cả trẻ con trong đám nữa. Nên chúng tôi phải hết sức cẩn trọng.”

Khi những người di cư xuống tới biến, cảnh sát sẽ ngừng can thiệp
Chụp lại hình ảnh,Khi những người di cư xuống tới biến, cảnh sát sẽ ngừng can thiệp

Cảnh sát sau đó đã bắt giữ một người bị tình nghi là kẻ buôn người.

Một vài người khác quay trở lại bờ do không tìm được chỗ trên thuyền.

Ở trên thuyền, đã chớm có những dấu hiệu của sự rối loạn. Chúng tôi có thể nghe thấy những tiếng hét và xô đẩy.

Một đứa trẻ mặc áo khoác hồng ngồi trên vai một người đang đứng ở giữa thuyền. Rõ ràng là có quá nhiều người đã cố gắng chen lên chiếc thuyền này.

Một số khác đang cố bám vào mép thuyền.

Thông thường, số người tối đa cố chen lên một con thuyền như vậy là khoảng 60 người.

Tuy nhiên, do có tới hai nhóm người di cư ở đây, con số hiện đã vượt quá 100.

Tôi muốn đến Anh và gặp gia đình mình,” một người đàn ông Iraq đứng cùng hai người phụ nữ, nói một cách tuyệt vọng khi phải quay lại bờ biển, từ bỏ hy vọng lên thuyền.

Chầm chậm, con thuyền dần trôi ra biển, trong thoáng chốc trông như đã mắc cạn trên một cồn cát.

Cảnh sát và những người không lên được thuyền bắt đầu quay lại phía các đụn cát và bãi đỗ xe gần đó.

Xa xa, bình minh dần ló, những đám mây ở phía đông dần nhuộm trong sắc hồng.

Lúc này, không ai trên bờ biết rõ tình hình trên thuyền đã trở nên tồi tệ tới mức nào.

Thỉnh thoảng, chúng tôi lại nghe thấy tiếng la hét.

Một vài chiếc áo phao trôi nổi trên mặt nước, nhưng không có cách nào biết được rằng liệu những người này đã chết hay đang chới với.

Chiếc thuyền bơm hơi quá tải đang hướng ra eo biển Manche
Chụp lại hình ảnh,Chiếc thuyền bơm hơi quá tải đang hướng ra eo biển Manche

Khoảng nửa giờ trôi qua, một vài xuồng cứu hộ được cử đi từ một tàu cứu hộ lớn của Pháp đang tình cờ tuần tra ngang bãi biển.

Dường như lực lượng cứu hộ đang tìm cách thuyết phục những kẻ buôn người, cùng chiếc thuyền quá tải, từ bỏ hành trình và quay trở lại bờ biển.

Lát sau, một vài người có vẻ đang được chuyển từ chiếc thuyền bơm hơi sang các xuồng cứu hộ.

Một tiếng sau, cảnh sát Pháp tiết lộ rằng đã có năm người chết.

Họ đã chết khi chúng tôi đứng đằng xa quan sát chiếc thuyền được đẩy xuống vùng nước nông.

Hai người chết đuối, ba người dường như bị giẫm đạp đến chết.

Trong số đó có một đứa trẻ mới bảy tuổi.

Tin tức nhanh chóng lan truyền giữa những người di cư khác.

Họ đã thất bại trong việc vượt biển đêm qua và đang trở lại các lán trại quanh thành phố Calais và một vài nơi khác.

Một số cho hay những cái chết khiến họ do dự, nhưng rất nhiều người khác cho biết vẫn sẽ tiếp tục kiên trì vượt biển để vào Anh.

Nhiều người gạt phăng đi những ý kiến cho rằng họ sẽ bị ngăn chặn bởi kế hoạch của chính phủ Anh – trục xuất những người vượt biển sang Rwanda.

“Không gì có thể ngăn được tôi,” một học sinh người Sudan kiên quyết nói khi đang đợi tới lượt sạc điện thoại ở thành phố Calais.

“Tôi đã thử sang Anh 15 lần rồi. Bây giờ tôi không từ bỏ đâu. Đây là cơ hội cuối cùng của tôi,” Idris, một chàng trai 24 tuổi từ Afghanistan, chia sẻ.

Cảnh tượng bạo lực mà chúng tôi chứng kiến chẳng còn xa lạ với cảnh sát Pháp.

Đã nhiều tuần qua họ cảnh báo việc đang phải đối mặt với các cuộc tấn công ngày càng dữ dội từ các băng nhóm buôn lậu và người di cư, những người thường xuyên mang theo đá để ném vào lực lượng cảnh sát.

“Mới tuần trước, đã có 10 cảnh sát bị thương và 7 xe cảnh sát bị hư hại. Bạo lực leo thang rõ rệt và lực lượng cảnh sát thường đụng độ với các nhóm đông người. Chúng tôi cần thêm trang thiết bị và nhân lực. Chỉ can đảm thôi thì không đủ,” Đại tá Mathilde Potel cho biết.

Bài Liên Quan

Leave a Comment