Chuyện Xuân về 3 ông Phúc Lộc Thọ.

Chuly sưu tầm

Chuyện Xuân về 3 ông Phúc Lộc Thọ.

\"\"

Một người phụ nữ vừa bước ra khỏi nhà thì nhìn thấy có 3 cụ già râu tóc bạc phơ đang ngồi trên phiến đá ở trước sân nhà.
Bà không quen biết họ, nhưng là con người tốt bụng, bà lên tiếng nói:
\”Tôi không quen biết các cụ nhưng chắc là các cụ đang đói bụng lắm, vậy xin mời các cụ vào nhà tôi dùng một chút gì cho ấm bụng nhé… \”.
– Ông chủ có ở nhà không thưa bà…. Một cụ cất tiếng ái ngại hỏi.
– Dạ thưa không, nhà tôi đi làm chưa về. Người phụ nữ trả lời.
– Thế thì chúng tôi không thể vào nhà của bà bây giờ được, bà ạ.
Đến chiều khi người chồng đi làm về, người phụ nữ kể lại chuyện cho chồng nghe. Nghe xong người chồng bảo vợ:
\”Vậy thì bây giờ em hãy ra mời ba cụ ông vào, nói với mấy cụ rằng anh đã về và muốn mời họ vào\”.
Người vợ làm theo ý của chồng, bà bước ra sân mời cả ba cụ cùng vào.
– Rất tiếc thưa bà, cả ba chúng tôi không thể vào nhà bà cùng một lúc được. Họ đồng thanh đáp.
– Vì sao lại thế thưa các cụ…. Người phụ nữ ngạc nhiên hỏi.
Một cụ già bèn đứng dậy từ tốn giải thích:
– Cụ ông này tên là Lộc , còn kia là cụ ông Thọ , và còn lão già đây là Phúc. Bây giờ bà hãy vào nhà hỏi ông nhà xem sẽ mời ai trong ba lão chúng tôi vào nhà trước nhé. Người phụ nữ đi vào nhà và kể lại sự việc cho chồng.
– Ồ vậy thì tuyệt quá! Người chồng vui mừng nói.
– \”Vậy thì tại sao chúng ta không mời cụ ông Lộc vào trước. Cụ là điềm giàu sang phú quý rồi đây, sẽ cho chúng ta nhiều tiền bạc của cải sung túc\”.
Nhưng người vợ lại không đồng ý.
– \”Nếu vậy thì tại sao chúng ta lại không mời cụ Thọ vào trước chứ… Đời người quý nhất là chữ Thọ mà.
Hai vợ chồng tranh cãi mà vẫn chưa đi đến quyết định.
Cô con gái nãy giờ ngồi nghe yên lặng ở góc phòng bỗng lên tiếng nhỏ nhẹ:
\”Bố mẹ ạ, tại sao chúng ta không thử mời ông già Phúc vào nhà trước đi. Nhà mình khi ấy sẽ tràn ngập tình thương yêu ấm áp, và ông già sẽ cho gia đình chúng ta thật nhiều hạnh phúc. \”
– \”Có lẽ con gái mình nói đúng\”. Người chồng suy nghĩ rồi bảo vợ . \”Vậy thì ta hãy mau ra ngoài mời cụ Phúc vào trước đi vậy. \”
Người hai vợ chồng ra ngoài và cất tiếng mời,
\”Gia đình chúng tôi xin hân hạnh mời cụ Phúc làm vị khách mời đầu tiên vào với gia đình của chúng tôi\”.
Cụ già Phúc từ tốn đứng dậy và chầm chậm bước vào nhà. Nhưng, hai cụ già kia cũng từ từ đứng dậy và bước theo cụ già Phúc…
Rất đỗi ngạc nhiên, 2 vợ chồng bước lại gần hai cụ Lộc và Thọ hỏi:
– \”Tại sao hai cụ cũng cùng vào theo… Các cụ đã chẳng nói là cả ba cụ không thể vào nhà cùng một lúc sao\”.
Khi ấy cả hai cụ cùng trả lời:
\”Nếu ông bà mời cụ Lộc hay Thọ – 2 chúng tôi đây, thì chỉ một trong ba chúng tôi vào nhà được thôi, nhưng vì bà mời cụ ông Phúc vào trước, thì cả ba chúng tôi sẽ cùng vào theo.
Bởi gia đình nào có Phúc thì ở đó tất sẽ có Lộc và Thọ đó ông bà ạ\”
————————————————————————————–
Sự tích ba ông Phúc Lộc Thọ.
Có một bộ tượng ba ông già gọi là “Tam đa”, hình tướng khác nhau, áo quần mỗi ông một vẻ. Thường ba ông này được bày trong nhà để trang trí, làm cảnh cho vui. Sự tích về ba ông cũng rất lý thú
1. Ông Phúc
Ông Phúc thường được đặt ở giữa tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Tương truyền, Ông Phúc là một quan thanh liêm của triều đình. Theo quan niệm xưa, nhà đông con là nhà có phúc nên đôi khi còn thấy có một đứa trẻ đang nắm lấy áo Ông Phúc, hoặc nhiều đứa trẻ vây quanh ông hay là có hình ảnh con dơi bay xuống ông (dơi phát âm giống \”phúc\”).
Ông Phúc tên thật là Quách Tử Nghi, Thừa tướng đời Đường. Cụ xuất thân vốn là quý tộc, đồng ruộng bát ngát hàng trăm mẫu, nhưng suốt cuộc đời tham gia triều chính, cụ sống rất liêm khiết, thẳng ngay. Không vì vinh hoa, phú quý mà làm mất nhân cách con người.
Cụ bà và cụ ông bằng tuổi nhau. Người Việt có câu: \”Cùng tuổi nằm duỗi mà ăn\”. Còn theo người Hoa Hạ ở Trung Nguyên thì vợ chồng cùng tuổi là rất tốt. Họ có thể điều hòa sinh khí âm, khí dương cho nhau. Vì vậy, có thể bớt đi những bệnh tật hiểm nguy. Lại cùng tuổi nên dễ hiểu nhau, dễ thông cảm cho nhau, nên hai cụ rất tâm đầu, ý hợp. Hai cụ 83 tuổi đã có cháu ngũ đại. Lẽ dĩ diện phải là nam tử rồi. Cụ Phúc thường bế đứa trẻ trên tay là như vậy. Theo phong tục của người Hoa cổ đại, sống đến lúc có cháu ngũ đại giữ ấm chân nhang của tổ tiên là sung sướng lắm lắm! Phúc to, phúc dày lắm lắm! Bởi thế cụ mới bế thằng bé, cháu ngũ đại, đứng giữa đời, giữa trời, nói:
– Nhờ giời, nhờ phúc ấm tổ tiên, ta được thế này, còn mong gì hơn nữa. Rồi cụ cười một hơi mà thác. Được thác như cụ mới thực sự được về cõi tiên cảnh nhàn du. Cụ bà ra ôm lấy thi thể cụ ông và chít nội than rằng:
– Tôi cùng tuổi với chồng tôi. Phúc cũng đủ đầy, dày sâu, sao giời chẳng cho đi cùng…
Ai có thể ngờ, nói dứt lời cụ bà cũng đi luôn về nơi chín suối. Hai cụ được con cháu hợp táng. Vậy là sống bên nhau, có nhau, chết cũng ở bên nhau, có nhau. Hỏi còn phúc nào bằng. Và cụ được người đời đặt tên là Phúc.
2. Ông Lộc
Ông Lộc hay Thần Tài tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Theo truyền thuyết, Ông Lộc được sinh tại Giang Tây, sống trong thời Thục Hán của Trung Quốc, ông còn là một quan lớn của triều đình, có nhiều tiền của. Ông thường mặc áo màu xanh lục vì trong tiếng Hoa, \”lộc\” phát âm gần với lục\”, tay cầm \”cái như ý\” hoặc thường có một con hươu đứng bên cạnh (hươu cũng được phát âm giống \”lộc\”).
Ông Lộc tên thật là Đậu Từ Quân, làm quan đến chức Thừa tướng nhà Tấn. Nhưng cụ Đậu Từ Quân là một quan tham. Tham lắm. Cụ hưởng không biết bao nhiêu vàng bạc, châu báu, là của đút lót của những kẻ nịnh thần, mua quan, bán tước, chạy tội cho chính mình, cho con, cho cháu, cho thân tộc. Trong nhà cụ, của chất cao như núi. Tưởng cụ Đậu Từ Quân được như thế đã là giàu sang, vinh quang đến tột đỉnh. Cụ chỉ hiềm một nỗi, năm cụ tám mươi tuổi vẫn chưa có đích tôn. Do vậy cụ lo nghĩ buồn rầu sinh bệnh mà chết. Cụ ốm lâu lắm. Lâu như kiểu bị tai biến mạch máu não bây giờ. Cụ nằm đến nát thịt, nát da, mùi hôi thối đến mức con cái cũng không dám đến gần. Đến khi chết, cụ cũng không nhắm được mắt. Cụ than rằng:
– Lộc ta để cho ai đây? Ai giữ ấm chân nhang cho tổ tiên, cho bản thân ta?
3. Ông Thọ
Ông Thọ tượng trưng cho sự sống lâu với hình ảnh là một ông già râu t óc bạc trắng, trán hói và dô cao, tay cầm quả đào, bên cạnh thường có thêm con hạc.
Ông Thọ tên là Đông Phương Sóc, làm Thừa tướng đời Hán. Triết lý làm quan của cụ Đông Phương Sóc là quan thì phải lấy lộc. Không lấy lộc thì làm quan để làm gì. Cụ coi buôn chính trị là buôn khó nhất, lãi to nhất. Nhưng cụ Đông Phương Sóc vẫn là quan liêm. Bởi cụ nhất định không nhận đút lót. Cụ chỉ thích lộc của vua ban thưởng. Được bao nhiêu tiền thưởng, cụ lại đem mua gái đẹp, gái trinh về làm thê thiếp. Người đương thời đồn rằng, trong dinh cụ, gái đẹp nhiều đến mức chẳng kém gì cung nữ ở cung vua. Cụ thọ đến 125 tuổi. Nên người đời mới gọi cụ là ông Thọ. Trước khi về chốn vĩnh hằng, cụ Thọ còn cưới một cô thôn nữ xinh đẹp mới mười bảy tuổi. Cụ Đông Phương Sóc bảo, cụ được thọ như vậy là nhờ cụ biết lấy âm để dưỡng dương.
Do cụ Đông Phương Sóc muốn có nhiều tiền để mua gái trẻ làm liều thuốc dưỡng dương, cho nên suốt cuộc đời của cụ, cụ chỉ tìm lời nói thật đẹp, thật hay để lấy lòng vua. Có người bạn thân khuyên cụ:
– Ông làm quan đầu triều mà không biết tìm lời phải, ý hay can gián nhà vua. Ông chỉ biết nịnh vua để lấy thưởng thì làm quan để làm gì.
Cụ Đông Phương Sóc vuốt chòm râu bạc, cười khà khà bảo:
– Làm quan không lấy thưởng thì tội gì mà làm quan. Can gián vua, nhỡ ra vua phật ý, tức giận, chém đầu cả ba họ thì sao?
Ông được phong tặng Đa Thọ vì sống đến 125 tuổi. Khi ông mất chỉ còn đứa chắt (đời thứ 4) làm ma chay vì vợ, con, cháu của ông đều đã chết hết cả.
Người Hoa Hạ đã khéo xếp 3 vị Thừa tướng, có 3 tính cách khác nhau, ở 3 triều đại khác nhau, thành một bộ không tách rời nhằm để răn đời. Đồng thời, biến những cái tốt, cái lợi có từ 3 ông thành mong ước ngàn đời của mọi người, đó là: Đa phúc, Đa lộc, Đa thọ.
4. Quan niệm Phúc – Lộc – Thọ ngày nay
Phúc – Lộc – Thọ là mong ước của tất cả mọi người, ai cũng muốn có nhiều lộc, lắm phúc và sống lâu. Nhưng quan niệm thế nào cho đúng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện lịch sử. Đặc biệt trong cuộc sống hiện nay.
Ngày xưa, các cụ quan niệm \”nhiều con, lắm phúc\”, \”có con trai mới có phúc\”. Còn ngày nay, có con gái hay con trai đều là phúc.
Nếu các con hiếu thảo, ngoan ngoãn, thông minh, thành đạt là có phúc. \”Mỗi gia đình chỉ nên có 1- 2 con\”, vì nhiều con đâu hẳn đã là phúc. Nhiều con mà không dạy dỗ, không cho ăn học, để chúng đói nghèo, ngu dốt, hư hỏng, thì không thể nói là có phúc được. Và không thể chắc rằng 3 đời sống chung nhà, hay 3 đời sống chung nhà, là mô hình để học tập và noi theo khi mà nhu cầu cuộc sống, sinh hoạt ngày nay thay đổi so với thời trước.
Làm quan mà chỉ lo vơ vét cho giàu có, để rồi chết cô đơn như Đậu Từ Quân, hay xu nịnh, hám sắc như Đông Phương Sóc thì lộc để làm chi, thọ để làm gì. Tiền của lắm, thọ lâu dài trong sự khinh bỉ của người đời thì liệu bạn có muốn chăng? Hay cứ tranh đua lợi lộc mà gây phương hại cho những người xung quanh thì liệu lộc của bạn có lâu bền ? Chi bằng cứ sống cho tốt, cho đúng đạo làm người thì lộc tự dưng sẽ đến.
Quan niệm về thọ ngày nay không chỉ là sống lâu, mà còn phải sống vui vẻ, lành mạnh, sống có ích, chứ lấy âm dưỡng dương như Đông Phương Sóc thì không an toàn cho sức khỏe của bản thân và gia đình. Trong đời sống ta có được niềm vui thanh cao là hạnh phúc, vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất của đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là do mình tạo ra, hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.
Tóm lại, Phúc – Lộc – Thọ là ước nguyện lớn nhất của mọi người, vì thế mới tồn tại lời chúc Phúc – Lộc – Thọ và bộ Tam Đa từ xưa tới nay. Nếu đạt được hết thảy « đa phúc, đa lộc, đa thọ » thì còn gì bằng..

Bài Liên Quan

Leave a Comment