Vì sao dân nghèo Thái Lan hạnh phúc hơn người Việt Nam?

April 5, 2024

Câu chuyện vấn đề “an sinh xã hội” ở Việt Nam hiện nay, nếu so sánh với Thái Lan vẫn là một câu chuyện buồn và đáng thất vọng. Hai vấn đề lớn nhất là giáo dục và y tế vẫn là một gánh nặng, chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập, đối với các bậc phụ huynh học sinh.

Thái Lan là quốc gia láng giềng của Việt Nam, với diện tích lớn hơn Việt Nam khoảng 1/3, nhưng với số dân lại ít hơn, chỉ bằng 3/4. Nền kinh tế Thái Lan được xếp hạng đứng thứ 22 trong bảng tổng sắp toàn cầu, đứng hạng thứ 7 của Á Châu và đứng thứ nhì ở khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia. Với tổng thu nhập quốc dân khoảng trên $600 tỷ một năm.

Ít người biết rằng ở Thái Lan có một chế độ an sinh xã hội tốt, hiếm thấy trên thế giới, kể cả các quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu như Hoa Kỳ.

Đặc biệt, hai chính sách hàng đầu là giáo dục miễn phí 100% trong 15 năm và chữa bệnh không mất tiền cho mọi công dân, kể cả các bệnh hiểm nghèo nhất. Đó là chưa kể tới, hàng loạt vấn đề trợ cấp xã hội hàng tháng của chính phủ cho các hộ gia đình, cá nhân người nghèo và người cao tuổi.

Chương trình giáo dục miễn phí cũng như chữa bệnh không mất tiền của Thái Lan, bắt đầu từ năm 2000 do cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra khởi xướng và được đa số dân chúng ủng hộ với tỷ lệ rất cao.

Trẻ em Thái Lan từ 3 tuổi trở lên, trong hệ thống trường công, khi đến trường được miễn phí giáo dục toàn bộ trong 15 năm. Gồm ba năm mẫu giáo và 12 năm học phổ thông, kể cả học sinh chuyển sang học ở các trường nghề. Chính phủ chi trả tiền cho tất cả các chi phí như sách, vở, cặp sách, đồng phục (ba loại khác nhau)… phụ huynh học sinh không phải trả bất kỳ chi phí gì, kể cả bữa cơm trưa của học sinh cũng được nhà nước lo toàn bộ hay trợ cấp một phần.

Vấn đề chữa bệnh miễn phí cũng vậy, mọi công dân Thái Lan được chữa bệnh miễn phí 100%, theo yêu cầu. Khi đến khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế công lập, chỉ cần mang theo thẻ căn cước (ID), không phải trả tiền, và được cấp thuốc men do bác sĩ chỉ định và miễn phí.

Tuy nhiên ưu đãi vừa kể, cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp trung lưu trở xuống. Người giàu ở Thái Lan và gia đình của họ đi học và chữa bệnh ở các cơ sở tư với giá cả rất đắt đỏ.

Nhờ đó, năm 2020, đảng Thai Rak Thai hai lần giành được chiến thắng tuyệt đối trong cuộc bầu cử trong năm đó, và đảng của ông Thaksin đã liên tiếp lập được chính phủ cầm quyền trong nhiều năm.

Ngoài ra trong chính sách vận động tranh cử của đảng Thai Rak Thai lúc đó, còn bao gồm một số chính sách nhỏ khác, như miễn phí xe lửa hạng 3, không thu tiền xe bus hạng bình dân (không gắn máy lạnh) trong nội đô Bangkok, chính phủ cho mỗi tổ dân phố, vay số tiền một triệu baht để cho người nghèo vay lại với lãi suất 0%. Những chính sách vừa kể cho đến nay vẫn duy trì và được cải cách tiến bộ hơn.

Với chính sách dân túy như vừa kể đã thuyết phục không chỉ dân chúng tầng lớp nghèo khổ, mà hầu hết các chính đảng nhỏ ở Thái Lan, đã sáp nhập với đảng Thai Rak Thai. Để rồi đảng của cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra đã trở thành một trong hai đảng lớn nhất trong chính trường Thái Lan trong vòng chưa đầy một thập niên.

Kể từ đó cho đến nay tất cả các chính phủ, kể cả chính quyền quân sự, sau các cuộc đảo chính cũng không dám bãi bỏ hai chính sách quan trọng về giáo dục và y tế vừa kể.

Tuy nhiên, sự ủng hộ quá cao của dân chúng đối với đảng Thai Rak Thai và cựu Thủ Tướng Thaksin quá lớn cũng mang lại cho ông ta và gia đình không ít điều phiền toái. Sau đó liên tiếp các đảng các chính trị với những tên khác nhau của ông Thaksin, đã nhiều lần bị tòa án hiến pháp quyết định buộc giải tán với những lý do không thuyết phục. Cuối cùng, cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra phải chạy ra nước ngoài tị nạn chính trị 17 năm và mới được ân xá gần đây.

Trong cuộc bầu cử Quốc Hội Thái Lan vào Tháng Bảy, 2011, bà Yingluck Shinawatra em gái của cựu Thủ Tướng Thaksin cũng áp dụng chính sách dân túy nhưng vượt bậc hơn. Ngoài việc giữ nguyên các chính sách trước đó, chính phủ Yingluck cam kết, sẽ tăng mức lương tối thiểu từ 8,000 lên 15,000 baht/tháng. Về chính sách nông nghiệp đảng của bà Yingluck còn cam kết mua thóc của nông dân với giá 15,000 baht/tấn, cao hơn giá thóc bán trên thị trường thị trường từ 2,000 đến 3,000 baht/tấn.

Đáng chú ý, để lôi kéo sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu, đảng của bà Yingluck đã miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, áp dụng cho các cá nhân mua xe hơi mới lần đầu tiên, cao nhất tới 100,000 baht/1 xe khoảng $3,000. Nhờ chính sách này trong năm 2012, tổng lượng xe hơi mới tiêu thụ trong nội địa ở Thái Lan đã đạt mức gần 1 triệu chiếc/năm.

Mới nhất trong cuộc bầu cử ở Thái Lan Tháng Năm, 2023, đảng Pheu Thai của con gái ông Thaksin, còn tuyên bố sẽ phát không 10,000 baht (gần $300) cho hơn 50 triệu công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên chính sách này đang bị Tòa Án Hiến Pháp của Thái Lan cáo buộc là hành động sử dụng tiền bạc để lôi kéo cử tri và chưa cho phép triển khai. Song mới nhất, Thủ Tướng Thái Lan Srettha Thavisin và đảng cầm quyền khẳng định, chính sách vừa kể sẽ không thay đổi và sẽ hoàn tất vào trước Tháng Mười Một, 2024.

Câu chuyện vấn đề “an sinh xã hội” ở Việt Nam hiện nay, nếu so sánh với Thái Lan vẫn là một câu chuyện buồn và đáng thất vọng. Hai vấn đề lớn nhất là giáo dục và y tế vẫn là một gánh nặng, chiếm tỷ trọng lớn trong thu nhập, đối với các bậc phụ huynh học sinh.

Dẫu rằng nhà nước CSVN vẫn nhân danh là quốc gia xã hội chủ nghĩa, nhưng lại không miễn phí về giáo dục và y tế theo truyền thống của các nhà nước cộng sản, như Cuba hay Bắc Hàn đến nay vẫn duy trì.

Thanh Hà/Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment